Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


DẠY HỌC HÓA HỌC VỪA SỨC VỚI HỌC SINH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THI THPTQG

Cấu trúc đề thi môn hóa học năm 2016 nằm chủ yếu trong chương trình hóa học 12, đề thi có tính phân loại cao, phù hợp với tiêu chí của Bộ GD và đào tạo
DẠY HỌC HÓA HỌC VỪA SỨC VỚI HỌC SINH  ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THI THPTQG
I. ĐÁNH GIÁ ĐỀ VÀ KẾT QUẢ THI THPTQG MÔN HÓA HỌC NĂM 2016
1. Nhận định về đề thi THPTQG môn Hóa học 2016.
- Cấu trúc đề thi môn hóa học năm 2016 nằm chủ yếu trong chương trình hóa học 12, đề thi có tính phân loại cao, phù hợp với tiêu chí của Bộ GD và đào tạo. Tuy nhiên đề đạt được 5 điểm thì hoàn toàn không khó, theo chúng tôi (Tổ Hóa học trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) đề thi năm 2016 từ câu 1-25 rất dễ, học sinh trung bình có thể làm được,  từ câu 25-30 là một mức độ khác, từ câu 31-41 học sinh khá có thể làm được. Đề thi có 10 câu khó và 5 câu cực khó đòi hỏi các thí sinh phải năm chắc kiến thức và lực học giỏi xuất sắc mới có thể giải quyết được.
2. Kết quả môn hóa học trong kì thi THPTQG 2016
a. Phổ điểm môn Hóa học của cả nước:

 
 
Trong đó điểm có nhiều nhất của môn Hóa là 5,4. So với điểm có nhiều nhất của các môn Khoa học tự nhiên (Toán là 6,25; Vật lý là 6,60) thì tình trạng chung của môn hóa học trong kì thi THPTQG năm 2016 là thấp hơn hẳn so với các môn tự nhiên khác. Từ đây các thầy cô có thể có một cái nhìn sơ lược về mức độ đề thi Môn Hóa học trong kì thi THPTQG năm 2016.
b. Kết quả môn hóa học của học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:
- Số lượng bài thi có điểm dưới trung bình là 15 bài (chiếm 8 %)
- Số lượng bài điểm thi từ 8 trở lên là 33 bài (chiếm 19,9%)
- Điểm trung bình của môn hóa của trường là 6,68
Kết quả ôn thi môn Hóa THPTQG của chúng tôi trong vòng 5 năm trở lại đây đều có kết quả điểm trung bình cao riêng năm 2016 có kết quả thấp hơn so với các năm trước nhưng thực tế là với cách thi trắc nghiệm và mức độ đề ra như đã phân tích ở  trên thì việc được điểm từ 9 trở lên là rất khó khăn vì lúc này độ khó của kiến thức, độ nhanh nhạy về kĩ thuật và tốc độ đòi hỏi rất cao, chưa kể học sinh có thể nhầm một vài câu lí thuyết trước sức ép về tâm lí và thời gian thi. Trong quá trình ôn tập đã có những học sinh lớp chuyên toán rất thông minh giải bài tập rất tốt nhưng cũng chỉ đạt 8,8 điểm.
II. Dạy học vừa sức đáp ứng yêu cầu về đề thi THPTQG.
Trong quá trình dạy học môn hóa học chúng tôi luôn tâm niệm rằng:
1. Quan trọng nhất là năng lực tự học của học sinh, thầy cô chỉ là người định hướng và hướng dẫn học sinh ôn tập, nếu học thêm quá nhiều không có thời gian ôn tập rèn luyện kĩ năng thì kết quả của việc học thêm là không có. Bản thân giáo viên nhóm Hóa chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu ôn thi THPTQG của học sinh trong và ngoài trường nên với môn Hóa học, không có hiện tượng học sinh chạy ra ngoài học và học thêm tràn lan.
2. Ôn thi bám sát cấu trúc đề thi của bộ, phương châm ôn tập của giáo viên Hóa chúng tôi: Phải lấy được trọn vẹn điểm của phần dễ, sau đó mới tập trung làm câu khó, tận dụng tối đa các phương pháp giải nhanh, thậm chí có những câu dài chúng tôi còn hướng dẫn học sinh cách thử đáp án sao cho chuẩn (Vì thi trắc nghiệm cái cần là kết quả chứ không phải là con đường đi và nếu với mức độ đề như năm 2016 thì 5 câu cuối trong đề mà giải tuân thủ đầy đủ các bước thì không thể giải quyết được trong vòng 30 phút.
3. Chúng tôi cũng đều đã giải và trao đổi với nhau những câu từ dễ đến khó trong đề thi THPTQG năm 2016 để rút kinh nghiệm cho việc ôn tập năm nay.
Đối với kì thi THPT QG năm nay: Tổ bộ môn đã cho giáo viên tham gia ôn luyện xem xét và giải đề thi minh họa của Bộ Giáo Dục sau đó thống nhất phương án ôn tập, chúng tôi thấy rằng: Với cách thi năm nay với 40 câu/50 phút, toàn bộ câu hỏi nằm trong chương trình hóa 12, theo như đề minh họa mà Bộ công bố thì:
- Số lượng câu dễ dành cho học sinh TB và để xét tốt nghiệp là 20/40 câu.
- Mức độ vận dụng thấp là 5/40 câu.
- Vận dụng: 10 câu.
- Vận dụng cao: 5 câu.
Do đặc thù của bộ môn Hóa Học nên để giải quyết những nội dung trong đề thi thì học sinh không chỉ cần tập trung vào kiến thức cơ bản sách giáo khoa 12 mà cũng cần được bổ sung các kiến thức trọng điểm thuộc lí thuyết chủ đạo của lớp 10 và 11. Đặc biệt trong đề có những bài toán mà cần phải thực hiện liên hoàn 4-5 bước với sự vận dụng linh hoạt nhiều kiến thức mới ra được kết quả, điều này đòi hỏi học sinh phải có sự tổng hợp các kiến thức kĩ năng của toàn chương trình THPT.
Xuất phát từ thực tế đó nhóm giáo viên ôn thi THPTQG của chúng tôi đã thống nhất phương pháp dạy và hướng dẫn học sinh học tập môn học đáp ứng kì thi năm nay của Bộ như sau:
Giáo viên:
          Bám sát chuẩn kiến thức và kĩ năng; bám sát cấu trúc đề minh họa của bộ, thường xuyên cập nhật các đề thi thử của các trường chuyên có chất lượng thi THPQG cao, ổn định qua các năm.
          Dạy chi tiết, tỉ mỉ, đúng trọng tâm bài học đối với toàn bộ nội dung lý thuyết chương trình hóa học 12, trong quá trình dạy chính khóa tăng cường các câu hỏi lý thuyết và các dạng bài tập đơn giản đáp ứng tốt phần dễ trong đề.
          Tuân thủ tuyệt đối lịch dạy thêm của nhà trường.
 Trong các buổi dạy ôn:
 - Tổng hợp lại kiến thức lý thuyết, cung cấp thêm các câu hỏi lý thuyết ở mức độ vận dụng từ thấp đến cao.
          - Phân dạng bài tập, chuẩn bị chu đáo nội dung ôn tập để sao cho giờ dạy hiệu quả nhất.
          - Phân chia các nhóm đối tượng học sinh phù hợp về mặt nhận thức và mục tiêu để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
          - Sau khi hướng dẫn lí thuyết phải cho học sinh làm bài thi tại lớp để tăng kĩ thuật và tốc độ làm bài.
          - Không dạy các bài có kiến thức hàn lâm, bản chất toán học quá nặng, đánh đố học sinh.
          - Sau khi cho học sinh làm bài trắc nghiệm cần chữa một cách tỉ mỉ và phân tích các cách hỏi khác với từng câu hỏi không nên chỉ đọc đáp án đúng.
          - Phân loại rõ ràng những câu hỏi ở mỗi mức độ lấy điểm khác nhau để hướng dẫn các em giải quyết đề một cách hiệu quả nhất.
          Giáo viên không ngừng cập nhật nội dung ôn tập cho thích hợp với yên cầu và đối tượng học sinh: Có những em ôn thi để lấy điểm tốt nghiệp, có em ôn thi xét tuyển đại học và tùy theo đối tượng lớp ôn lựa chọn kiến thức cho phù hợp.
          Trong quá trình dạy học chúng tôi cũng luôn thăm dò ý kiến của học sinh và các giáo viên chủ nhiệm để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp hơn nữa với các đối tượng học sinh khác nhau.
Chúng tôi cũng phân tích để học sinh thấy được:
Tầm quan trọng của việc tự học, đi học về cần ít nhất mỗi ngày 4h tự học ở nhà.
Không được phép coi thường lý thuyết, hiện nay có 1 số bộ phận học sinh chỉ thích làm bài tập tính, ngại ôn tập lý thuyết nên câu khó thì làm được, câu dễ lại bị sai.
Đầu tư tâm huyết và trí tuệ thích đáng cho các bài học trên lớp. Cái nhà chỉ có thể xây cao nếu cái móng được chắc chắn.
Không ngừng học hỏi cách giải nhanh từ thầy cô, bạn bè và các nguồn tư liệu khác.
Lương Thị Hồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây