Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


NGƯỜI TRUYỀN LỬA

Hà Nội, ngày … tháng … năm ....
Nhật kí ngày trở gió.
​​​​​​​Có những ngày mỏi mệt đến thế, có những ngày chỉ muốn nằm dài trên chiếc giường nhỏ và lắng nghe những bài hát mình từng nghe để hoài niệm về tất cả những điều đã trải qua, để nhớ về những kí ức đẹp, và nhớ về cô – người truyền lửa cho tôi trong những tháng năm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.

Hà Nội của tôi là một chuỗi dài những ngày tắc đường, người ta cứ mải miết đi, còn tôi, lang thang trên những con phố nhỏ, rong ruổi trên chuyến xe bus. Tôi không buồn vì cái “đặc sản” nổi tiếng này nơi thủ đô hoa lệ, tôi chỉ buồn, lạc lõng trong cảm xúc mà tôi tự định nghĩa là “tắc lòng”.

Chập chững những tháng năm của tuổi 16, tôi gặp cô. Có lẽ trong kí ức của một cô sinh viên năm nhất mới xa nhà đi học, thứ được trí não ghi nhớ sâu sắc nhất không phải là những bài giảng về tác gia văn học, không phải là những câu danh ngôn cần ghi nhớ để viết trong bài thi; tôi chỉ còn nhớ về những lời cô căn dặn, về những lời động viên khi tôi khóc oà như một đứa trẻ mà chẳng thể tìm ai để sẻ chia.

Tôi đến với văn chương với tâm thế của một người yêu văn, sống hết mình vì văn học. Tôi say mê từng trang thơ, tôi trầm ngâm suy tư vì những mẩu truyện ngắn, tôi cứ ngỡ mình đã đắm chìm trong thế giới ấy và chẳng điều gì có thể khiến tôi hết yêu văn. Những tưởng ngọn lửa văn chương ấy sẽ cháy mãi không ngừng nghỉ trong trái tim của một đứa vốn yêu thích văn chương như tôi. Nhưng không! Nó đang dần lụi tắt. Và tôi, cảm nhận rõ hơn bao giờ hết lửa nhiệt đang nguội đi trong mình. Cô đã đến, mang theo hơi ấm của ngọn lửa mới, ngọn lửa từ chính cô, từ chính niềm đam mê văn học vẫn luôn thường trực bao lâu nay để truyền cho tôi hơi ấm mới, năng lượng mới và cảm xúc mới với môn học mà tôi theo đuổi.

Tôi đã từng khóc vì những bài văn ngốc nghếch đến dở tệ của mình, vì những lần đọc đề bài mà cảm thấy bất lực vì không biết mình phải đi tiếp thế nào. Có lúc tôi đã từng muốn buông xuôi ước mơ mà bấy lâu nay tôi vẫn thường nuôi dưỡng. Những khi ấy, tôi chỉ có thể tìm cô, nói ra những điều mình chẳng thể nói với ai khác trong sự thất vọng về chính mình. Cô vẫn ở đó, lắng nghe và chia sẻ những cảm xúc tiêu cực trong tôi. “Trời không phụ lòng người có chí đâu em!” – tôi không quên câu nói ấy, cũng không quên dáng hình người đã nói câu nói ấy, và cũng không quên ngọn lửa cô vẫn đang truyền cho tôi dù chỉ bằng một câu nói giản dị. Cô và Văn học xuất hiện cùng nhau vốn dĩ đã là một món quà, với riêng tôi, nhưng thực tình, nhờ có cô, tôi đã có thể nhận được những phần thưởng lớn hơn – phần thưởng cho tâm hồn bởi sự rung động của trái tim và phần thưởng thực tế mà tôi được công nhận bằng chính khả năng của mình.

17 tuổi, tuổi của những rung động đầu đời. Tuổi của những xúc cảm thần tiên. Tuổi của tình yêu trong sáng. Nhưng cũng là tuổi của những gì mỏng manh, yếu đuối trong tâm hồn. Sống trong tuổi 17, ai dám chắc mình không có một thời ngốc nghếch, một thời dại khờ chạy theo tình cảm mới chớm nở để rồi khi tan vỡ lại để lại nhiều nỗi đau. Có những ngày chẳng thể làm gì, có những ngày chỉ cần không gian yên lặng một chút, tôi cũng cảm thấy bơ vơ. Nhưng sự thật vốn dĩ chẳng phải vậy. Cô vẫn ở bên tôi và đem đến cho tôi một ngọn lửa mới, được gọi tên là ngọn lửa của tình yêu cuộc sống. Có lẽ là thế. Tôi ngừng khóc, ngừng buồn, tôi biết mỉm cười nhiều hơn trước cuộc đời như một lời cảm tạ phép màu diệu kì của tạo hoá đã cho tôi được sinh ra. Điều quan trọng không phải vì cô đã ở bên tôi, lắng nghe tôi, mà là vì cô đã đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ 17 tuổi, sống với những cảm xúc năm 17 tuổi và ở bên tôi như một người bạn tri kỉ không ai có thể thay thế. Tìm thấy niềm vui trong cuộc sống giản dị này để được sống an yên và hạnh phúc – lời dặn ấy của cô sẽ không chỉ sống những năm tháng khi tôi 17, khi tôi biết buồn vì mối tình đầu tiên tan vỡ, câu nói ấy sẽ là bài học, là kim chỉ nam trong cả cuộc đời này ngay cả khi tôi đủ trưởng thành và nếm trải biết bao dư vị của cuộc sống.

18 tuổi – cái tuổi chông chênh ở ngưỡng cửa trẻ con và trưởng thành, cái tuổi phân vân giữa biết bao chọn lựa và ước mơ, tôi rơi vào vòng quay của những chuỗi ngày ôn, thi, học, kiểm tra đầy căng thẳng, tôi không còn thời gian để suy nghĩ về mối tình từng có, tôi không còn đủ sức lực để khóc khi cảm thấy bất an và tuyệt vọng giữa cuộc đời này, và tôi chẳng còn chia sẻ với cô nhiều như trước. Tôi dần xa cô nhiều hơn. Liệu có phải khi người ta ngày một trưởng thành, ai rồi cũng sẽ thay đổi? Nhưng không, câu nói ấy chỉ đúng với những đứa trẻ bồng bột, như tôi, chứ không phải với một người trưởng thành, là cô.Cô vẫn ở bên tôi, luôn luôn ở bên tôi, đủ để cô có thể thấy những khó khăn tôi gặp phải, đủ để cảm nhận những mệt mỏi tôi trải qua. Có những ngày tôi tưởng chừng như chẳng thể đứng dậy và đi tiếp vì những lần vấp ngã đớn đau, cô là người kéo tôi lên khỏi những giây phút đen tối ấy. Có những đêm cô ngủ muộn, chỉ để hỏi tôi đã đọc được gì nhiều hơn chưa và lo lắng vì thói quen thức đêm của đứa học trò nhỏ. Và cô ơi, đứa học trò đã từng rời xa cô dù chỉ trong vài giây phút thôi đã học được cách để trở thành một vì sao và toả sáng trên nền trời phủ đầy mây đen. Tôi biết cách tự đứng dậy, tôi có được thành công nhờ ngọn lửa cô luôn mang theo trong mình và truyền cho tôi bằng cả tình thương. Cô thương tôi, giống như học sinh, như người bạn tri kỉ, như con gái, như những người ruột thịt – tình thương ấy, sẽ không ai có thể thay thế.

May mắn cho em, trong thanh xuân vốn dĩ ngắn ngủi vô tình này lại có thể cùng cô đi chung một đoạn đường. Có thể gặp được một người truyền lửa như cô trong đời, quả là một niềm hạnh phúc, một kí ức mà em không thể cũng không muốn lãng quên.

23:52, Gia Lâm – Hà Nội.

Đêm muộn, tôi vẫn miên man trong những dòng thơ thân thuộc:

“Nhớ tuổi thơ đến ngẩn ngơ

Ước gì trở lại như mơ một lần”

Cuộc sống một mình nơi thủ đô có lẽ tôi đã dần quen, tôi quen với nếp sống mới, quen môi trường mới, quen bạn bè mới, và quen với việc chỉ còn có thể trò chuyện với cô thông qua chiếc màn hình điện thoại. Sự quan tâm ấy vẫn còn, sự lo lắng ấy vẫn vậy, chỉ khác là khi tất cả những điều hạnh phúc ấy tôi chẳng còn được nghe trực tiếp nữa, những điều hạnh phúc ấy chỉ còn là những dòng tin nhắn, những cuộc gọi từ xa mà thôi.

Hà Nội hôm nay trở gió, không hiểu sao lòng tôi đan xen rất nhiều cảm xúc. Tôi nhớ về bài giảng hôm nay của thầy cô trên giảng đường đại học, tôi tưởng tượng về tương lai sắp tới, tôi hối tiếc vì những chuyện đã qua và hồi tưởng lại về những tháng năm tôi đã từng sống hết mình với phòng đội tuyển và từng bài viết, tôi nhớ cô.

Cô bây giờ vẫn vậy, vẫn dáng người ấy, vẫn giọng nói ấy, vẫn giữ ngọn lửa trong mình, ngọn lửa của tình yêu văn học, tình yêu cuộc sống, ngọn lửa của người luôn hết mình với những bài giảng và sâu sắc khi nghĩ về cuộc đời. Trong những tháng năm thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người, tôi may mắn vì đã được đón nhận những ngọn lửa ấy – những ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim cô.

Ngày mai, tuần mới, tháng mới hay dẫu cho là năm mới, xin cho phép tôi được nhớ mãi về cô, về những ngọn lửa mà cô đã từng dành cho tôi, để những điều hạnh phúc ấy sẽ mãi là những kỉ niệm, là hành trang trong suốt chặng đường dài sau này tôi đã chọn lựa và bước đi. Tôi không sợ thời gian sẽ làm lu mờ những kí ức đẹp đẽ ấy, vì tôi tin rằng, chỉ cần trái tim thực sự mong muốn nhớ và được nhớ, thời gian sẽ chỉ là phép thử vô hình và vô nghĩa.

Hà Nội – Điện Biên , 475 km, cô ơi, em nhớ cô!

Tên của em có chữ Thuý, Thuý trong thuý điểu, và chữ Hằng, Hằng trong hằng số.

Mong là một cánh chim luôn làm những điều đúng đắn trong cuộc đời này.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng, thực vật và ngoài trời

Tác giả bài viết: Đinh Thị Thuý Hằng - Cựu HS chuyên Văn K21

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây