Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


Thư ngỏ của Thầy Tô Thanh Lâm - nguyên hiệu trưởng đầu tiên gửi tới Thầy Phạm Hồng Phong - nguyên hiệu trưởng thứ 4 của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

BQT trân trọng giới thiệu bức thư chúc mừng, chia sẻ những tiếng nói chung trong sự nghiệp trồng người của Thầy Tô Thanh Lâm - nguyên hiệu trưởng đầu tiên gửi tới Thầy Phạm Hồng Phong - nguyên hiệu trưởng thứ 4 của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Thư ngỏ
Kính gửi thầy Phạm Hồng Phong – Nguyên Hiệu trưởng Lê Quý Đôn
Nhân dịp Thầy chia tay Nhà trường để nhận nhiệm vụ mới.
Kính thưa thầy giáo Phạm Hồng Phong – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn!
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em hoc sinh!
Thưa Thầy! Hôm nay, tôi được biết Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức trọng thể buổi gặp mặt tri ân và chia tay để Thầy nhận công tác mới!
Tôi xin chúc mừng Thầy vì đã được các thế hệ giáo viên, học sinh và phụ huynh, cộng đồng xã hội ghi nhận trong suốt những năm tháng qua (khi Thầy là giáo viên rồi cán bộ quản lý và cuối cùng là Hiệu trưởng Nhà trường) và bây giờ lại tiếp tục được lãnh đạo ngành tin tưởng giao nhiệm vụ mới!
Thưa Thầy! Cách đây hơn 20 năm, tôi cũng đã chia tay Nhà trường để đến với môi trường học tập, công tác mới. vì vậy, tôi cho rằng, tại giây phút này Thầy sẽ có những bùi ngùi, nhớ nhung xen lẫn tiếc nuối nhất định. Tuy vậy, tôi tin tưởng sâu sắc rằng những thành quả mà Thầy đã dầy công xây dựng cho trường suốt mấy chục năm qua sẽ không ai, không thế hệ giáo viên, học sinh nào có thể quên lãng. Những thành quả ấy sẽ mãi là nét đẹp truyền thống hào hùng của Nhà trường.
Tôi tin rằng, các thầy cô giáo, các em học sinh Nhà trường sẽ cảm thấy tiếc nuối khi Thầy không còn công tác tại Trường, nhưng tôi cũng tin rằng họ vẫn luôn mong Thầy tiếp tục tiến bộ và thành công trong vị trí công tác mới.
Ở vị trí công tác mới này thuộc tầm vĩ mô của Tỉnh, sự thành công của Thầy sẽ có sức lan tỏa lớn hơn và trong số các đối tượng thụ hưởng, chắc chắn sẽ có các cán bộ giáo viên và học sinh của Trường mình.
Thưa thầy! được công tác cùng thầy trong ngành giáo dục Điện Biên một số năm, tôi luôn trân trọng và ngưỡng mộ những suy nghĩ, trăn trở của thầy về giáo dục nói chung và giáo dục chuyên biệt nói riêng. Hôm nay, khi Thầy chia tay Nhà trường để nhận nhiệm vụ mới, xin phép thầy cho tôi được nhắc lại như là một phần trong tiếng nói chung của chúng ta.
Thứ nhất, phẩm chất trung thực của mỗi con người luôn là giá trị đạo đức xã hội quan trọng nhất, nền tảng nhất để mỗi cộng đồng hướng tới một xã hội văn minh. Giá trị trung thực ấy phải được dạy dỗ, rèn luyện ngay trong nhà trường và từ học sinh của mình để giá trị ấy lan tỏa ra ngoài xã hội. Từ quan điểm này, tôi nhớ có một lần Thầy trao đổi với tôi rằng: trường em, có học sinh lực học không đáp ứng được yêu cầu, em có trao đổi với phụ huynh, nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng thêm cho em nhưng nếu em vẫn không theo được thì Nhà trường sẽ giới thiệu để em chuyển trường chứ Nhà trường dứt khoát không hợp lý hồ sơ để em ở lại. Vì làm như vậy là không trung thực và làm hại cuộc sống của em sau này. Tôi rất trân quý những suy nghĩ ấy của Thầy.
Thứ hai, tôi và Thầy đã từng thống nhất với nhau rằng: suy cho cùng, mục đích của giáo dục là tạo ra văn hóa nhà trường trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa thời đại. Mà văn hóa nhà trường do chính hiệu trưởng, BGH, các thầy cô giáo và học sinh tạo nên. Trong đó, hiệu trưởng vừa là người tạo ra văn hóa vừa là đại diện cao nhất trong nhà trường về văn hóa ấy. Giáo viên, học sinh là sứ giả phổ quát văn hóa ấy ra ngoài xã hội. Tôi còn nhớ khi Điện Biên tổ chức Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thầy có nói với tôi rằng: học sinh Trường em, sau khi tập xếp hình, các em đã ở lại để dọn rác khu vực khán đài và xung quanh, nhìn hình ảnh ấy, em thấy ấm lòng. Đúng vậy, giá trị văn hóa của trường Thầy đã được hiện thực thành hành vi văn hóa, và đương nhiên hành vi văn hóa ấy có sức lan tỏa diệu kỳ trong cuộc sống.
Thứ ba, có lần có người nói với tôi rằng: tại sao trường THPT Thành phố Điện Biện Biên Phủ lại không cho học sinh vào trường khi các em đi học muộn. Trong khi các các trường khác (như Lê Quý Đôn) các em tự giác đến trường đúng giờ. Tôi nói với họ, đó là thành quả của trường Lê (Lê Quý Đôn) khi nề nếp đi học đúng giờ đã trở thành văn hóa thì các em học sinh sẽ tự xấu hổ khi đi học muộn và khi đó các em sẽ đi học đúng giờ. Nói tới câu chuyện này, tôi muốn cùng Thầy nhắc lại quan điểm mà chúng ta đã nhất trí cao, đó là: Nề nếp trong nhà trường là nền tảng để thực hiện chất lượng giáo dục, là cơ sở để tạo dựng văn hóa. Nề nếp trong nhà trường được hình thành từ chính các quy định, quy chế nên giúp cán bộ, giáo viên chủ động trong xử lý công việc và thực hiện nhiệm vụ. Suy cho cùng, nề nếp trường học chính là sản phẩm của quản trị nhà trường. Đương nhiên, nề nếp không thể sống mãi mà nó sẽ được điều chỉnh theo thời gian và theo sự tiến bộ chung của xã hội.
Thứ tư, trong quá trình công tác, tôi và Thầy cũng đã nhiều lần đàm đạo về việc quản trị nhà trường của BGH và quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền. có lần, tôi hỏi Thầy: Cơ quản quản lý nhà nước về giáo dục tổ chức ra đề kiểm tra định kỳ cho các nhà trường là đúng hay sai? Thầy nêu ý kiến: Họ đúng khi họ kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục. Từ kết quả đánh giá, họ sẽ có điều chỉnh (theo luật định) về quản lý nhà nước đối với các trường. Nhưng họ sai khi lấy kết quả đó để nhà trường đánh giá học sinh, bởi như vậy là không đúng với tinh thần quản trị trường học.
Kính thưa thầy ……Hồng Phong! Hôm nay hoặc chỉ ít ngày nữa Thầy sẽ nhận nhiệm vụ mới. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng: các thế hệ giáo viên, học sinh trường Lê Quý Đôn sẽ luôn nhớ về Thầy, người Hiệu trưởng đáng kính trong rất nhiều năm qua.
Trên cương vị công tác mới, mong Thầy tiếp tục thành công! Tôi tin rằng trường THPT Lê Quý Đôn, các thế hệ giáo viên, học sinh Nhà trường luôn đứng sau sát cánh cùng Thầy. Thầy cũng như tôi, chúng ta luôn coi trường Lê Quý Đôn là ngôi nhà chung của mình.
Mong sớm gặp lại Thầy cùng những thành công mới!
Chào thân ái!
 
 
 
 
  
 
 

Tác giả bài viết: Nguồn: Thầy Tô Thanh Lâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây