Tổ Quốc bắt đầu từ cột mốc 0

Chủ nhật - 06/11/2016 13:24
Nằm ở điểm cực Tây của Việt Nam, cột mốc 0 (cột mốc không số) A Pa Chải là điểm đến tiếp theo trong ngày thứ 2 hành trình của đoàn, ngày 05 tháng 11. Tiếp đó đoàn dâng hương tại Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ.
Cột mốc A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ngã ba biên giới đặc biệt của ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Đồng chí Phạm Thiết Chùy, phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết: “Sở dĩ được gọi là cột mốc 0 bởi cột mốc này là điểm đầu tiên phân định biên giới giữa các quốc gia và đã được cả ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc cùng nhau xây dựng nên. Vì vậy, đây là cột mốc có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng”.
Theo sự hướng dẫn của đồng chí Phạm Thiết Chùy cùng các cán bộ của Phòng GD&ĐT huyện, của Văn phòng Huyện ủy, đoàn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn xuất phát từ 4h30 sáng. Trên đường đi đoàn đã dừng chân tại điểm trường THCS Sín Thầu thăm và tặng quà là sách vở, quần áo và mỳ tôm cho các em học sinh nơi đây. Món quà tuy không phải là nhiều và có giá trị lớn, xong lại là tấm lòng chân thành, ấm áp của cán bộ giáo viên và các em học sinh nhà trường gửi đến các em học sinh trường THCS Sín Thầu khi những ngày mùa đông đang đến gần.
Để lên được cột mốc không số, đoàn đi đến Đồn biên phòng A Pa Chải xin giấy phép của bộ chỉ huy biên phòng tỉnh. Sự tiếp đón nhiệt tình, nồng hậu của Ban chỉ huy đồn cũng như của các chiến sỹ đã xua tan sự mệt mỏi của các thành viên trong đoàn. Trung tá Phạm Hồng Giang, đồn trưởng đồn biên phòng tâm sự: “Chúng tôi đã từng cấp giấy phép cho rất nhiều đoàn lên cột mốc A Pa Chải. Dân phượt có. Đoàn của các cơ quan có. Đoàn học sinh ở các trường có. Nhưng có thể khẳng định đây là đoàn tham quan đặc biệt nhất mà chúng tôi từng tiếp đón. Bởi chưa bao giờ chúng tôi gặp đoàn nào do chính các thầy cô tổ chức và đưa học sinh đi tham quan”. TS Phạm Hồng Phong chia sẻ: Mục đích của chuyến đi lên A Pa Chải của đoàn là nhằm từ việc tham quan cột mốc sẽ giáo dục cho các em ý thức về chủ quyền dân tộc, từ việc cho các em thấy sự vất vả, hi sinh quên mình của các chiến sỹ ngày đêm canh giữ biên giới bảo vệ chủ quyền quốc gia để thêm yêu quý, tự hào cũng như nhận rõ trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc Việt Nam. Có lẽ chính bởi vậy mà đoàn đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt của lãnh đạo đồn, được các chiến sỹ biên phòng dẫn đường lên cột mốc.
Đường lên cột mốc là thử thách lớn với cả đoàn, nhất là các em học sinh chưa từng leo núi. Chiến sỹ Lò Thanh Sơn vui vẻ kể: “Trước đây đường lên cột mốc còn vất vả hơn nhiều nhưng giờ đường đang được đầu tư xây dựng nên đoạn đường đi bộ đã rút ngắn chỉ còn 4km đường rừng lên đỉnh Khoan La San. Ngày nào các chiến sỹ cũng thay nhau lên tuần tra trên cột mốc”. Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn không lấy đường trơn trượt đầy đá sỏi và dốc ngược làm trở ngại cho mình. Lòng quyết tâm và sự hào hứng đã khiến những khó khăn phải khuất phục. Cuối cùng, dù rất vất vả, đoàn đã đặt chân lên cột mốc được mệnh danh “con gà gáy cả ba nước nghe thấy”. Đây là giây phút thiêng liêng không thể nào quên đối với mỗi thành viên. Tại đây, đoàn đã có những bức ảnh lưu niệm đầy ý nghĩa.

14925419 1421299361228707 5857808114694453916 n

Chia tay Đồn biên phòng A Pa Chải đoàn tiếp tục lên đường đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ. Khu tưởng niệm được xây dựng tại xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nhằm ghi nhớ công lao to lớn của người cán bộ cách mạng mang quân hàm xanh Trần Văn Thọ trong công cuộc chiến đấu với giặc ngoại xâm và giặc dốt đối với xã Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Công lao của người anh hùng ấy một lần nữa được sống dậy trong lời kể của cô giáo Hằng Thu – giáo viên Lịch sử của nhà trường. Nén hương tri ân trước vong linh của người anh hùng Trần Văn Thọ và các anh hùng nơi đây là sự bày tỏ lòng biết ơn chân thành của những người con đang sống trong hòa bình, hạnh phúc – thành quả mà cha ông đã phải đánh đổi bằng cả máu xương.
Chuyến đi kết thúc nhưng để lại nhiều dư ba cho các em. Và có lẽ điều mà TS Phạm Hồng Phong gửi gắm trong chuyến đi sẽ trở thành nhận thức, biến thành quyết tâm, thành hành động về ý nghĩa, giá trị và trách nhiệm của các em trong hai tiếng Tổ Quốc thiêng liêng.
Tác giả bài viết: Phạm Thương Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TKB KHOA BIỂU ONLINE 2023-2024
LỊCH BÁO GIẢNG ONLINE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây