Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC VĂN ĐÁP ỨNG KỲ THI THPTQG

Môn Ngữ văn có một vị trí quan trọng đặc biệt trong chương trình học của học sinh. Ngoài việc cung cấp kiến thức như các môn học khác, môn Văn còn góp phần bồi dưởng tư tưởng tình cảm và hình thành nhân cách cho học sinh: Chính vì thế, học văn là cả một quá trình tích luỹ lâu dài, không thể học xổi, học dồn mà phải cập nhật từng ngày, từng vấn đề, từng tác phẩm
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC VĂN ĐÁP ỨNG KỲ THI THPTQG
   Việc thực hiện  đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá theo chủ trương của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây, đã trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ làm thay đổi đáng kể về nhận thức trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Môn Ngữ văn có một vị trí quan trọng đặc biệt trong chương trình học của học sinh. Ngoài việc cung cấp kiến thức như các môn học khác, môn Văn còn góp phần bồi dưởng tư tưởng tình cảm và hình thành nhân cách cho học sinh:  Chính vì thế, học văn là cả một quá trình tích luỹ lâu dài, không thể học xổi, học dồn mà phải cập nhật từng ngày, từng vấn đề, từng tác phẩm. Đó cũng chính là lí do vì sao môn Văn là môn duy nhất thi tự luận trong kỳ thi THPTQG. Song môn Văn không phải là môn học tạo nhiều hứng thú cho học sinh phổ thông, càng ngày càng ít học sinh đam mê với môn học. Như vậy, chúng ta rất cần đưa ra các giải pháp để nâng cao chât lượng dạy và học môn Văn trong nhà trường đáp ứng yêu cầu của xã hội.
   Thay mặt cho các thầy cô trong tổ Văn, tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học văn đáp ứng kỳ thi THPTQG
2. Thực trạng
a.Ưu điểm:
   Trong những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới phương pháp trong công tác giảng dạy. BGH đã đầu tư CSVC, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản & toàn diện giáo dục. Các PHT đã dự giờ các GV trong trường để đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm kịp thời về đổi mới phương pháp .
   Các thầy cô giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo & vận dụng kiến thức kĩ năng của học sinh, chú ý các hoạt động xã hội, nâng cao nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT  trong dạy học.
(Năm học 2016-2017, trong buổi báo cáo tiến độ cuộc thi  NCKHKT dành cho HSTHPT diễn ra vào ngày 12/10. Tổng số có 13 đề tài đăng ký, đó là điều rất vui mừng vì học sinh đã nhận thức được vài trò và ý nghĩa của việc nghiên cứu KHKT)
b. Hạn chế:
   - Về phía giáo viên: Quá trình đổi mới chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ; một bộ phận GV còn ảnh hưởng nhiều của phương pháp truyền thống: dạy đọc chép, dạy nhồi nhét và dạy học văn như nhà nghiên cứu văn học.
   - Về phía học sinh: Còn thiếu tích cực trong học tập: thiếu sự hợp tác giữa trò và thầy, ít hứng thú, đam mê với môn học. có thói quen ỷ lại, dựa dẫm; đặc biệt là tâm lý không thích học văn, ngại đọc sách, năng lực diễn đạt trình bầy yếu.
    - Phụ huynh học sinh và xã hội: Trong bối cảnh ngày nay với sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường của lối tư duy thực dụng  sự lựa chọn của các bậc phụ huynh là chạy theo các ngành KHTN có thu nhập cao.
   - Chương trình và sách giáo khoa: Chưa có sự thay đổi đồng bộ, với  môn Văn còn nặng về thể loại, chú ý nhiều đến tư tưởng mà coi nhẹ nghệ thuật; các tác phẩm được chọn chưa hấp dẫn người dạy và người học .
Trước những thực trạng nêu trên, để thực hiện việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn có hiệu quả, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp sau:
3. Giải pháp
1. Vai trò của Giáo viên :
 Theo tôi, trong công tác giáo dục thì mọi công việc đều phải bắt đầu từ bản thân người Thầy. Bởi thầy cô đóng vai trò khơi nguồn thắp sáng ước mơ cho HS, vì vậy:
    Thứ nhất: Giáo viên dạy môn Ngữ văn cần phải có một tình yêu chân thành đối với môn học mình dạy.
    Thứ hai: Người thầy giáo dạy văn cần có cái tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên.
    Thứ ba: Người Thầy giáo dạy văn cần phải có tấm lòng yêu trẻ tha thiết.
Công thức chung là đi từ “cảm hóa”, chiêu mộ người học đến nâng cao chất lượng. Với lập luận: Một khi người thầy giáo dạy văn có được tình yêu chân thành đối với công việc dạy văn và có được những tình cảm đặc biệt dành cho lớp học trò mình, hướng dẫn các em tận tình trong cuộc hành trình chiếm lĩnh tri thức và cảm thụ văn chương thì câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục sẽ không còn là câu chuyện viễn tưởng. Nói khác đi với giáo viên Văn, việc ngợi khen, nhắc nhở  kịp thời là “phương kế “ kích thích tinh thần học “Văn” đối với các em
Vì vậy, khi lên lớp
     + Trước nhất cần thay đổi cách đánh giá về bộ môn ở học sinh: Cho học sinh thấy Văn học cần thiết và tiện ích cho học sinh khi chuẩn bị hành trang vào đời. Văn học sẽ làm đẹp nhân cách và cuộc sống hơn. Giá trị của văn học là thiết thực và luôn luôn tồn tại trong cuộc sống. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh với các ngành xã hội đang cần,  thi khối C, D để tránh việc học sinh đặt nặng vào các môn tự nhiên mà bỏ rơi các môn xã hội, đặc biệt là bộ môn ngữ văn. Việc học tập của học sinh phụ thuộc khá nhiều vào cảm xúc của cá nhân nhà sư phạm, chúng ta cần tránh vì tâm trạng cá nhân mà ảnh hưởng đến giờ lên lớp. Học sinh chỉ yêu thích bộ môn đó một khi các em thật sự yêu thích người thầy đó. ( D/c: em Thư lớp C1 (2013-2016) được điểm cao môn văn cao trong kỳ thi THPTQG chỉ vì yêu cô Tuyết).
     + Có Kỹ năng giảng dạy: Tính căn bản của quá trình đổi mới dựa trên sự hình thành phát triển năng lực người học do đó giáo viên cần vận dụng các hình thức dạy và học đa dạng, phong phú, có tính hấp dẫn. Thầy cô giáo khuyến khích HS học tập tích cực, chủ động, mạnh dạn, tự tin, tăng cường tính hợp tác, chia sẻ. Đa dạng hóa các hình thức và kỹ thuật dạy học (sàng lọc đối tượng, nêu vấn đề, thảo luận nhóm, thu thập ý kiến,phỏng vấn nhanh, dạy học theo tình huống, dạy học nêu vấn đề,…) Hình thành cho HS tư duy tích cực, độc lập, sáng tạo, tìm tòi, ở nhiều cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, rèn HS khả năng phân tích, tính toán, suy luận ..phù hợp với xu thế đổi mới. Dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên tài liệu chuẩn kiến thức, kĩ năng phù hợp với khả năng tiếp thu và vận dụng của học sinh.
     + Dạy  học sinh kỹ năng làm bài: Nắm vững cấu trúc và mức độ của đề thi, Kỳ thi THPTQG 2017 theo lộ trình đổi mới và cải tiến thi cử nhưng đối với môn Văn Bộ vẫn chủ trương thi tự luận.  Song kêt cấu cũng cũng có nhiều thay đổi: đề vẫn có 3 câu, thời gian từ 180 phút còn 120 phút; câu 2 từ một bài văn NLXH thành một đoạn văn khoảng 200 từ. Với cấu trúc mới này giáo viên cần hướng dẫn các em cách làm từng dạng bài cụ thể đặc biệt là đối với đối tượng học sinh chỉ học môn văn để xét tốt nghiệp
a. Với câu đọc- hiểu:
Bắt đầu từ đâu?
    Với 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, các thí sinh học Tự nhiên hay Xã hội đều có thể đạt từ 2 điểm phần đọc hiểu. Các em không thể học ôn tất cả từng bài từ THCS nhưng cần quan tâm trọng điểm sau:
    Thứ nhất: Nhận biết 6 phong cách ngôn ngữ văn bản. Dựa ngay vào các xuất xứ ghi dưới phần trích của đề bài để chọn. Báo chí, Văn chương nghệ thuật, Khoa học, Chính luận, Khẩu ngữ hay Hành chính công vụ.
   Thứ hai: Xác định 5 phương thức biểu đạt của văn bản dựa vào các từ ngữ hay cách trình bày. Đoạn trích thấy có sự việc diễn biến (Tự sự), nhiều từ biểu lộ xúc động (Biểu cảm), nhiều từ khen chê, bộc lộ thái độ (Nghị luận), nhiều từ thuyết trình, giới thiệu về đối tượng (Thuyết minh) và có nhiều từ láy, từ gợi tả sự vật, sự việc (Miêu tả).
  Thứ ba: Nhận biết các phép tu từ từ vựng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, lặp từ, nói quá, nói giảm, chơi chữ…); tu từ cú pháp (lặp cấu trúc câu, giống kiểu câu trước; đảo ngữ; câu hỏi tu từ; liệt kê.). Các biện pháp tu từ có tác dụng làm rõ đối tượng nói đến, tăng thêm gợi cảm, gợi hình ảnh, âm thanh, màu sắc, làm đối tượng hấp dẫn, sâu sắc.
  Thứ tư. Đọc kỹ đoạn trích trong đề bài, đặt tên nhan đề, nêu đại ý, hay cảm xúc trong đoạn văn ngắn 5-7 dòng. Thí sinh cần trả lời các câu hỏi: Đoạn trích viết về ai? Vấn đề gì? Biểu hiện như thế nào? Đặt trong tình huống bản thân để nêu hành động cần thiết.
  Thứ năm: Văn bản trong đề chưa thấy bao giờ nên các trò cần đọc nhiều lần để hiểu từng câu, từng từ, hiểu nghĩa và biểu tượng qua cách trình bày văn bản, liên kết câu, cách ngắt dòng...
Vì thế học sinh cần làm ngay: Sử dụng hiệu quả thời gian học ôn trên lớp, cố nhớ bài thầy cô ôn tập; Hỏi thầy cô ngay những gì chưa hiểu, chưa rõ, dù là nghĩa một từ, một câu; Viết đúng từ ngữ, trình bày rõ ràng, đúng chính tả, dấu câu, không viết dài; Chỉ dùng thời gian khoảng 15  phút làm câu hỏi đọc hiểu. Trả lời đúng câu hỏi của đề; Làm trọn vẹn từng câu, không bỏ ý, không viết vội vàng để giành chắc chắn từng 0,25 điểm
b. Với câu 2 viết đoạn văn cần:
  Một là  viết đúng trọng tâm yêu cầu của đề. Nên viết theo đoạn diễn dịch. Câu chủ đề phải viết đúng vào yêu cầu của đề bài. Phải có từ khóa của đề trong câu mở đoạn. Các câu sau đó phải tuyệt đối đúng – trúng vào nội dung.
  Hai là kết lại đoạn văn bằng 2-3 câu bày tỏ cái tôi của mình hoặc rút ra bài học.
 Ba là bài yêu cầu viết 7-8 dòng (hoặc câu, giới hạn từ ) thì có thể ước lượng để viết . Không ai ngồi đếm bài mình có bao nhiêu câu cả.
c. Với câu  cảm thụ văn học để  đạt điểm cao các em cần: Xác định đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề thi trong khoảng thời gian nhanh nhất; Vận dụng chính xác linh hoạt, nhuần nhuyễn các kiểu bài các kỹ năng và các thao tác nghị luận; Có bố cục rõ ràng.
 Cũng cần lưu  ý: Trong quá trình  làm bài cần phân bố thời gian hợp lý, không được bỏ bât cứ câu nào: Giáo viên hãy dạy  các em biết chắt chiu từng chút điểm  nhỏ như thế. Bởi bài văn đạt điểm cao bao giờ  cũng được làm nên từ những điểm số nhỏ trong từng ý từng câu.
   + Bên cạnh truyền đạt kiến thức, kỹ năng giáo viên  cũng cần: Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em tham gia trên tinh thần học tập, giải trí tích cực. giúp các em yêu thích môn học hơn.Việc giải trí nhỏ trong từng tiết học, cũng làm tiết học trở nên vui nhộn, nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
   Nghiêm túc hơn  khi chấm bài và sửa bài cho học sinh, phải ghi rõ những lỗi sai trong bài làm và cách sửa cho các em thấy được hết những hạn chế của mình mà rút kinh nghiệm cho bản thân. Khuyến khích tinh thần tự học của các em như chỉ cho các em đọc tham khảo những bài viết có liên quan đến bài học.
   Một biện pháp cần thiết và quan trọng là phát phiếu thu nhận ý kiến thường xuyên đến học sinh. Các em có quyền tự do phát biểu, nhận xét về không khí học tập, phương pháp dạy học, thái độ của giáo viên với học sinh,… trên phiếu có thể gợi ý cho học sinh đưa ra phương pháp nào là tốt nhất cho các em tiếp thu bài nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất, làm thế nào để học sinh có cảm giác thoải mái nhất, vui nhất khi đến giờ văn.
Đó là những giải pháp với đối tượng học sinh chỉ thi môn văn để xét tốt nghiệp. Còn đối với những em sử dụng môn Văn để xét tuyển vào các trường đại học thì đương nhiên các em đã yêu quý và chú tâm tới môn học này rồi. Giáo viên dạy sâu hơn về kiến thức rèn cho các em kỹ năng diễn đạt thông qua các đề luyện và chấm chữa bài.
2. Sự hợp tác của học sinh và phụ huynh học sinh
    Mặc dù, môn Văn đã trở thành 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPTQG, song sự hợp tác của học sinh và phụ huynh với môn học vẫn chưa cao. Thực tế hiện nay các ngành khoa học xã hội đang bị “ rớt điểm” nghiêm trọng trong nấc thanh ngành nghề của xã hội, chính vì vậy học sinh thiếu tâm huyết với môn học. Lúc này, giáo viên phải bằng tấm lòng và sự hiểu biết của mình để giảng giải, thuyết phục, khơi gợi lên cho học sinh và phụ huynh niềm tin, định hướng tương lai. Việc làm này sẽ tạo lập được mối quan hệ thầy trò gắn bó, thầy cô đã trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho học sinh. Ở lĩnh vực này, giáo viên  dạy Văn hôm nay còn phải là những nhà hướng đạo sinh có kinh nghiệm cho học sinh về tương lai.
3. Vai trò của ĐDĐH và CNTT
   Với cách thức ra đề như hiện nay, không chỉ  riêng môn Văn mà với tất cả các môn học khác đòi hỏi kiến thức ở bề rộng chứ không phải chiều sâu thì việc sử dụng các phương tiện trực quan là điều cần thiết bởi nó hướng đến hoạt động dạy học - tích cực, chủ động và sáng tạo hơn như: vẽ sơ đồ tư duy về bài học, hoạt động này không chỉ minh họa mà còn là nguồn tri thức, là cách chứng minh bằng quy nạp. Phát huy khả năng tái hiện kiến thức văn học thông qua năng khiếu vẽ của các em. Tôi thiết nghĩ sự kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại sẽ phát huy lòng ham học, sự say mê hứng thú, tích cực chủ động sáng tạo của học sinh.
D. Kết luận
    Là những giáo viên đang trực tiếp dạy ở trường Chuyên, phải đối mặt, áp lực về mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho nhà trường không chỉ của ngành Giáo dục mà còn là của toàn xã hội. Chúng tôi luôn trăn trở: làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học Văn, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, với sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, của lối tư duy thực dụng càng ngày càng nhiều học sinh thờ ơ, lạnh lùng với môn Văn thì vấn đề này càng có có ý nghĩa hơn bao giờ hết.  Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra tuy chưa nhiều nhưng khá thiết thực. Song để đạt được hiệu quả như mong muốn cần có một giải pháp đồng bộ từ chương trình Sách giáo khoa của Bộ đến sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở và Ban giám hiệu nhà trường và tất nhiên không thể thiếu vai trò của người thầy, ý thức học tập của học sinh và sự ủng hộ đồng tình của toàn xã hội. Có thể, những ý kiến của tôi đưa ra chưa thực sự đầy đủ, bởi có rất nhiều cách, nhiều con đường khác nhau để cải thiện tình trạng hiện nay của môn Văn, nhưng chúng tôi tin vào con đường mà chúng tôi đã và đang đi và cũng hi vọng gợi mở cho các đồng nghiệp  và các vị đại biểu tham gia Hội thảo nhiều suy nghĩ.
Lê Thị Biên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây