Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


MỘT SỐ LƯU Ý TRONG DẠY HỌC MÔN GDCD ĐỂ ĐÁP ỨNG THI THPTQG 2017

Năm học 2016 - 2017 Bộ GDĐT quyết định đưa môn GDCD vào danh sách các môn thi của kì thi THPT Quốc gia 2017 với đề thi trắc nghiệm khách quan thì giáo viên và học sinh phải thay đổi tinh thần và phương pháp dạy, học môn GDCD. Việc dạy và học sẽ được thực hiện theo hướng tích cực hơn và sẽ hạn chế được tình trạng học sinh học theo kiểu đối phó và coi nhẹ môn học như trước đây
I. Thực trạng:
1. Từ trước đến nay học sinh dường như không mấy mặn mà với môn học này. Có nhiều lý do khác nhau để lý giải, nhưng chủ yếu là do học sinh quan niệm môn GDCD là môn “phụ”. Hơn nữa, môn học này không có mặt trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi đại học, cao đẳng nên học sinh lớp 12 thường học chỉ để có đủ điểm, bỏ qua  vấn đề suy ngẫm, tìm hiểu sâu kiến thức sau mỗi bài học. Một số trường thường đẩy nhanh việc  dạy học nhằm kết thúc sớm môn học để giành thời gian cho môn thi khác cần thiết cho môn thi đại học cao đẳng. Chính vì vậy, việc học môn GDCD rơi vào tình trạng bị động và đối phó. Nhưng năm học 2016 - 2017 Bộ GDĐT quyết định đưa môn GDCD vào danh sách các môn thi của kì thi THPT Quốc gia 2017 với đề thi trắc nghiệm khách quan thì giáo viên và học sinh phải thay đổi tinh thần và phương pháp dạy, học môn GDCD. Việc dạy và học sẽ được thực hiện theo hướng tích cực hơn và sẽ hạn chế được tình trạng học sinh học theo kiểu đối phó và coi nhẹ môn học như trước đây.
2. Cùng với việc Bộ GDĐT đã công bố đề thi minh họa môn GDCD trở thành một cấu phần trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội khiến cho nhiều học sinh rất lo lắng khi các em không biết nên ôn tập từ đâu và bắt đầu như thế nào?  Tôi  cho rằng, nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học (trừ các bài và những nội dung giảm tải) ở lớp 12, giáo viên và học sinh sẽ phải dạy và học đầy đủ tất cả các bài, các nội dung trong Chương trình GDCD lớp 12 “Công dân với pháp luật”. Nếu học sinh học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt. Tôi nghĩ, đây là điểm mới, tích cực của môn GDCD trong xu thế đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay.
Với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời, và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng, trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng. Với cấu trúc này, đề thi đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính phân hóa rõ rệt, tạo thuận lợi cho học sinh làm bài theo lực học thực tế của mình.
          Đề thi minh họa khách quan mang tính tổng hợp nên học sinh cần vận dụng kiến thức tổng hợp và kỹ năng làm bài mới có được đáp án đúng vì kiến thức pháp luật lớp 12 là kiến thức rất khó; Nếu bài thi chỉ đạt được điểm 5 đến điểm 6 sẽ không có gì băn khoăn còn đạt điểm 9 và điểm 10 đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội (phần này chiếm 40% câu hỏi vận dụng trong đề thi). Để làm được những câu hỏi này, giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tích cực hơn. Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.
II. Giải pháp
Cùng với đổi mới phương pháp dạy của ngành giáo dục nói chung và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nói riêng để đáp ứng kì thì THPT Quốc gia đạt hiệu cao tôi xin  chia sẻ một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Dạy học theo chương trình chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GDĐT, tuy nhiên các câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa giáo viên cần hướng dẫn học sinh làm thành thạo các dạng câu hỏi phù hợp với dạng để thi THPT quốc gia.
Thứ hai: Xây dựng ngân hàng câu hỏi cho từng phần kiến thức của mỗi bài được thể hiện ngay trong giáo án ở mỗi cấp độ nhận thức khác nhau cho học sinh tiếp cận thường xuyên với câu hỏi trắc nghiệm khách quan đáp ứng kì thi  THPT quốc gia.
Thứ ba: Nội dung chương trình GDCD lớp 12 rộng nên việc sưu tầm tài liệu cần phải lựa chọn, cập nhật những nội dung pháp luật mới nhất như Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình… Việc chọn lọc những thông tin pháp luật mới nhất có tính thời sự và liên quan đến nội dung bài học phù hợp với đối tượng học sinh… Đặc biệt nội dung Hiến pháp 2013 chưa đưa vào sách giáo khoa, giáo viên phải thường xuyên cập nhật để học sinh nắm được những thay đổi.
Thứ tư: Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên phải hiểu rõ về mục tiêu từng bài, từng chủ đề, về thời gian và khả năng nhận thức của học sinh thì chúng ta mới lựa chọn phương pháp dạy tối ưu nhất cho từng bài. Chương trình GDCD lớp 12 thuộc phần “Công dân với pháp luật” không thể tách rời việc liên hệ thực tiễn cuộc sống. Do vậy sử dụng câu chuyện pháp luật; tình huống pháp luật có thật diễn ra hàng ngày trong xã hội là rất cần thiết trong dạy học môn GDCD lớp 12.
Việc sử dụng các câu chuyện pháp luật sẽ giúp các em có được cái nhìn thiết thực hơn về cuộc sống của bản thân. Sử dụng các câu chuyện pháp luật sẽ tạo ra cho không khí giờ học sôi nổi, học sinh rèn luyện cho mình được tinh thần hỗ trợ, tương trợ, hợp tác lẫn nhau để giải quyết nội dung của bài học.
Giáo viên có thể dễ dàng sử dụng các câu chuyện pháp luật trong đời sống hàng ngày từ nguồn tài liệu vô cùng phong phú: Báo Pháp luật và đời sống, Báo An ninh, Báo Tuổi trẻ, Đài truyền hình Việt Nam, Mạng Intenet, Công an Điện Biên thành...
Việc sử dụng câu chuyện pháp luật sẽ nâng cao tính chủ động, sáng tạo, bồi đắp niềm hứng thú, tình yêu, sự say mê đối với môn học... Đồng thời, giúp các em củng cố, mở rộng, khắc sâu kiến thức trọng tâm bài học một cách hiệu quả; nâng cao kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày ý kiến trước đám đông.
Những câu chuyện, tình huống pháp luật phản ánh những sự việc có thật diễn ra trong cuộc sống, rất gần gũi và dễ hiểu đối với học sinh, tạo cho các em có niềm tin vào sự công bằng của pháp luật. Qua đó, các em sẽ phát triển khả năng thích ứng được với cuộc sống bên ngoài, có được lối sống đẹp, đúng pháp luật, có cách ứng xử hay với những trường hợp cụ thể xảy ra trong cuộc sống.
Khi sử dụng câu chuyện, tình huống pháp luật vào bài giảng giáo dục công dân 12 sẽ làm tăng tính thực tiễn của môn học. Biện pháp này tạo cho học sinh sự chú ý say mê học tập, khả năng thực hành và năng lực tự giác đặc biệt quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Học đi đôi với hành”“Lý luận gắn với thực tiễn”. Góp phần hình thành ở học sinh các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích – tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân,… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Việc sử dụng câu chuyện, tình huống pháp luật giúp giáo viên giảm bớt được thuyết trình, giảng giải; đồng thời trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm... Sử dụng các câu chuyện pháp luật để dạy học cũng tạo cho học sinh yêu thích môn học, thay đổi cách học thụ động, liên hệ trực tiếp với những hành động của bản thân và xã hội là đúng hay sai, từ đó giúp các em tránh được những vi phạm pháp luật.
Tôi lấy 1 ví dụ minh họa như: Khi dạy bài 2 “Thực hiện pháp luật” phần 2. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.
Giáo viên có thể sử dụng tình huống vi phạm pháp luật thực tiễn thường xảy ra hàng ngày như: Cảnh sát giao thông phạt hai bố con bạn Minh vì cả hai người  đều lái xe máy đi ngược chiều. Bố bạn Minh không chịu nộp tiền phạt vì lí do ông  không nhận ra biển báo đường một chiều, bạn Minh  mới 16 tuổi, còn nhỏ chỉ biết đi theo ông nên không đáng bị phạt.
Với tình huống này giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm với nội dung câu hỏi: 1.  Theo em, lí do mà bố bạn Minh đưa ra có xác đáng không ? Cảnh sát giao thông xử phạt cả hai bố con bạn Minh như vậy có đúng không? Bạn Minh có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình không?
2. Theo em, trong tình huống trên, hai bố con bạn Minh có lỗi hay không? Vì sao?
3. Hai bố con bạn Minh chịu trách nhiệm trước ai? Họ chưa gây tai nạn chưa phải bồi thường cho ai, vậy cảnh sát giao thông nhân danh ai và căn cứ vào đâu để phạt tiền họ? Việc xử phạt ấy có ý nghĩa gì?
Các nhóm thảo luận trình bày quan điểm khác nhau có nhóm hiểu đúng có nhóm chưa đạt yêu cầu, giáo viên phân tích, bổ sung hoàn thiện giúp các em có cách đánh giá đúng vấn đề:
1. Lí do bố bạn Minh đưa ra là không xác đáng vì cả hai bố con bạn Minh  đều đi xe máy ngược chiều là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông được pháp luật bảo vệ.
- Cảnh sát giao thông phạt cả hai bố con bạn Minh là đúng – vì vi phạm luật giao thông.
- Bạn Minh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình vì bạn đã đủ 16 tuổi.
2. Cả hai bố con bạn Minh đều có lỗi  cố ý đi xe máy ngược chiều là sai, có thể gây ra tai nạn nguy hiểm cho bản thân và người khác nhưng họ vẫn vi phạm.
3. Hai bố con bạn Minh phải chịu trước pháp luật vì cả hai bố con bạn Minh đều là người có năng lực trách nhiệm pháp lí ( bạn Minh đủ 16 tuổi) họ có đủ nhận thức rằng đi xe máy ngược chiều quy định là làm trái pháp luật, có thể gây tai nạn, nguy hiểm cho người khác... Do vậy họ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
- Cảnh sát nhân danh pháp luật và quyền lực nhà nước căn cứ vào các quy định của pháp luật cụ thể là Luật giao thông đường bộ để xử phạt hành chính (phạt tiền) hai bố con bạn Minh.
Từ phân tích tình huống trên các em tự rút ra bài học vi phạm pháp luật có các dấu hiệu cơ bản một cách tự nhiên mà không cần thụ động vào sách giáo khoa:
Thứ nhất, là hành vi trái phát luật.
Thứ hai, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện.
Thứ ba, người vi phạm pháp luật phải có lỗi.
Khi đó các em dễ ràng trả lời câu hỏi : Vi phạm pháp luật là gì? Người vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lí như thế nào?
Giáo viên có thể sử dụng câu chuyện, tình huống pháp luật ở tất cả các giờ dạy thậm trí ở từng phần bài học của chương trình GDCD lớp 12.
Vận dụng sáng tạo phương pháp này giáo viên sẽ làm cho học sinh hiểu
 sâu và nhớ lâu kiến thức pháp luật, có thêm niềm tin, tự tin bước vào kì thi THPT quốc gia đạt kết quả cao và là hành trang về kiến thức pháp luật trước khi bước vào đời. Sử dụng phương pháp dạy học này kết hợp với các phương pháp khác sẽ đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, có ích cho xã hội – chính là cái đích mà mục tiêu môn GDCD mong đợi.
Lê Thị Hà
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây