Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


CÔ – VÌ TINH TÚ TỎA SÁNG NHẤT

BTC trân trọng giới thiệu bài viết của Đỗ Mai Trang - chuyên Văn 10 A5, top 10 bài viết xuất sắc nhất cuộc thi viết chủ đề: Thầy cô và mái trường dưới nghệ thuật ngôn từ và hình ảnh
Hè về, tiếng ve kêu râm ran, ông mặt trời gắt gỏng chiếu ánh nắng chói chang xuống hai hàng phượng vĩ trên đường đến trường. Đã gần năm năm kể từ khi tôi xa mái nhà Tiểu học thân yêu ấy, hôm nay, trên con đường này, biết bao kí ức về những ngày thơ bé cùng mẹ cắp sách tới trường lại ùa về trong tiềm thức của tôi.
Con đường này tôi đã đi qua năm năm, chẳng lẽ gì tôi lại không nhớ rõ nó. Vẫn là con đường rộng rợp bóng cây, là hai hàng phượng vĩ mùa hè nở đỏ rực cả một góc trời, là nơi tôi đã cùng bao bạn bè đứng dưới gốc cây say mê hàn huyên đến tận khi cha mẹ đón về…
Xa xa, vài sạp hàng bán đồ ăn vặt vẫn mở cửa. Xưa, hội cái Linh, cái Thảo hay ra đó mua đồ ăn vặt rồi chia cho cả lớp. Khi thì cái kẹo mút nho nhỏ, khi thì gói thạch đá xinh xinh, lúc lại là cốc kem mát lạnh… Hương vị của nó thế nào, cái mát thấm đến tận ruột tôi ra sao, đến giờ tôi vẫn chẳng quên.
Cái cổng trường vẫn sừng sững đứng như bác bảo vệ trìu mến chào đón học sinh đến trường mỗi ngày, “bác” cầm tấm biển hiệu cũ đã được sơn sửa lại nhiều lần giơ lên đầy hiên ngang và tự hào. Mở cánh cổng sắt màu lục, toàn cảnh trường hiện ra thật đẹp và rộng lớn. Hàng gạch đỏ nơi cả trường ngồi chào cờ, mắt hướng về lá cờ Tổ quốc phấp phới trên nền trời xanh, hát vang Quốc ca, Đội ca theo nhịp trống, nhịp kèn… Dưới gốc cây đa cổ thụ kia là chiếc ghế đá mà thằng Dũng, cái Phương hay ngồi đánh cờ, cạnh đó là cái “sân sau” mà lũ con gái thường ngồi tâm sự, lũ con trai hay đùa nghịch đến ngã toạc cả chân. Ngay gần là phòng y tế - nơi lũ sợ tiêm từng òa khóc nức nở, tới mức mỗi khi nhắc lại, chúng tôi ôm bụng lăn ra cười.
Năm đó là lớp năm – cuối cấp, cả khối có năm lớp, lớp tôi là lớp chọn, vì thế nên chẳng có mấy tiếng khóc phát ra. Thấy vậy, thay vì động viên, cô chủ nhiệm chúng tôi cứ ngồi cạnh dọa: “Đau lắm đấy, đau lắm đấy…” Rồi cô chọc chúng tôi cười, thế là đã tiêm xong lúc nào không hay… Ngẩn ngơ trước phòng y tế, chợt có bóng người quen thuộc lấp ló sau tấm rèm treo bên trong…
Dáng người thanh mảnh, dong dỏng cao, mái tóc hoa râm điểm vài sợi bạc, làn da ngăm ngăm lấm tấm những vết đồi mồi,… Có điều, đã ngoài năm mươi nhưng đôi mắt vẫn sáng tựa như những vì tinh tú trên bầu trời đêm… Kia rồi! Cô giáo lớp năm thân yêu của tôi!
Khác với cấp hai và cấp ba, ở Tiểu học, cứ mỗi năm chúng tôi lại được học một cô chủ nhiệm khác, với những tính cách và phương pháp dạy chẳng hề giống nhau. Lớp năm cũng vậy, đến nhận lớp với tâm trạng nơm nớp, tôi lo không biết cô giáo chủ nhiệm cuối cấp sẽ là ai, dịu dàng hay nghiêm khắc, dễ gần hay xa cách, liệu cô có quý tôi – một đứa học trò chẳng có gì nổi bật? Hóa ra những gì tôi lo lắng kia chỉ là thừa thãi. Cô thương và quý tôi lắm, nếu cô không tạo động lực cho tôi, có lẽ tôi chẳng có ngày được ngồi viết những dòng này.
Suốt bốn năm Tiểu học, tôi luôn coi việc học văn là không quan trọng, chỉ cần học toán, toán và toán thôi, thế nên điểm văn của tôi lúc nào cũng đứng áp chót, các cô thấy tôi như vậy cũng nhắc nhở, nhưng nhắc nhiều mà tôi không sửa nên các cô cũng mệt, sau này chẳng buồn bận tâm nữa. Còn với cô, cô yêu văn học như chính bản thân cô vậy. Vậy mà tôi nào biết, cứ thờ ơ với văn như những gì tôi đã làm. Ban đầu, cô cũng khá bất ngờ, cuối giờ cô gọi tôi lại để hỏi lí do vì sao tôi ghét văn đến thế và tôi trả lời với cô rằng: “Em không có năng khiếu với văn và em cũng không hứng thú với nó cô ạ”. Sáng hôm sau, cô đến lớp, đặt lên bàn tôi cuốn sách “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức và một tờ giấy “note” ghi rằng: Em thử đọc vài dòng xem, nếu không thích thì mang trả cô nhé. Rồi tôi mở sách ra, chao ôi, “Hòn Đất” hấp dẫn tôi ngày từ những trang đầu tiên, hình ảnh chị Sứ hi sinh vẫn như một vết thương khó có thể lành lại được trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Nhẹ nhàng, thoải mái, không gò bó, mượn “Hòn Đất”, cô đã kéo tôi vào thế giới của văn học – một thế giới mộc mạc, giản dị, trần trụi đến bất ngờ mà lại thật cuốn hút. Từ khi ấy, tôi chăm học văn hơn, điểm số cũng vì thế mà ngày một cải thiện rõ rệt, tôi viết nhiều, tham gia nhiều để rồi này trở thành một học sinh giỏi Văn như ước vọng của cô…
Ngắm cái bóng hình quen thuộc đó một lúc thật lâu, tôi chợt giật mình khi nhớ ra lí do mình tới đây. Phải rồi, “người lái đò” kính mến ấy đã đổ bệnh: ung thư tuyến giáp.
Khe khẽ bước vào phòng, tôi chào cô, cô nhìn tôi cười hiền hậu. Ngồi trong căn phòng chứa đầy kỉ niệm, tôi cùng cô nói chuyện với nhau, ôn lại những kỉ niệm cũ, cùng khóc, cùng cười, cùng chia sẻ những sự khó khăn, mệt nhọc của bốn năm qua. Khi ông mặt trời lên thật cao, chiếu những vạt nắng chói chang xuống mái tóc của bác đa già, hai chúng tôi rời trường về nhà cô ăn cơm. Ngôi nhà nho nhỏ nằm trong ngõ mọi ngày yên ắng nay rộn ràng tiếng cười của cô và trò. Chồng cô đi vắng, các con cô đi học xa nhà, chỉ có hai cô trò với đĩa rau muống luộc chấm nước mắm, bát thịt kho trứng cút và nồi cơm trắng thơm dẻo, đạm bạc, quen thuộc mà ngon đến lạ thường. Chiều, cô ra trường tiếp, cô bảo: “Cô ở nhà chán quá, ra trường dọn dẹp lại một chút cho đỡ buồn chân, buồn tay”. Tôi ở lại giúp cô, cô hỏi tình hình học tập của tôi, biết nay tôi là học sinh giỏi Văn, cô vui lắm, đôi mắt sáng có vài vết chân chim của cô cứ cười tít cả lên, trông cô như trẻ ra cả chục tuổi:
  • Lâu lắm rồi mới có một đứa chịu về chơi với cô cả ngày thế này, chúng nó cứ đến tặng hoa rồi lại quay về ngay…
Cô nói, ánh mắt lặng lẽ đượm buồn nhìn xa xăm…
Tôi hỏi về bệnh tình của cô, cô cứ cười, xoa đầu tôi bảo: “Em lo cho cô sao? Nhìn cô này, còn khỏe lắm nhé! Tháng sau cô về Hà Nội chữa bệnh, vào năm học cô vẫn sẽ chủ nhiệm các em nhỏ nữa mà, đừng có lo.”
Không khí của buổi xế chiều buông xuống, ông mặt trời dường như đã thôi gắt gỏng, trải ánh nắng hoàng hôn dịu ngọt xuống khắp sân trường. Dưới lá cờ Tổ quốc đang tung bay phấp phới, cô hiền từ vẫy chào tôi, lưu luyến… mãi không rời…

Tác giả bài viết: Đỗ Mai Trang 10A5

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây