Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Góp phần từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật, phòng ngừa giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trong học sinh, sáng ngày 13/11/2021, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn đã tổ chức tuyên truyền về pháp luật nghiêm cấm lao động trẻ em cho hơn 900 học sinh nhà trường. Để đảm bảo các nội dung tuyên truyền và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, buổi tuyên truyền được tổ chức theo hình thức sinh hoạt tại mỗi lớp. 
Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu  lao động trẻ em

Học sinh hào hứng tham gia HĐNGLL chủ đề “Tuổi trẻ hiểu luật, chấp hành luật, phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật”

Sử dụng lao động trẻ em đang là vấn đề ngày càng nan giải ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng trẻ em bị bóc lột (gồm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật). Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập… Nhận thức của cha, mẹ, gia đình, trẻ em, người sử dụng lao động và người môi giới lao động về vấn đề lao động trẻ em còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em. Điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em và khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 - 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm. 

Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc, Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và cam kết thực hiện Tuyên bố về một thế giới phù hợp với trẻ em. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, Nhà nước còn có những chương trình bảo đảm an sinh xã hội khác như chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách hỗ trợ địa phương vùng đặc biệt khó khăn, chính sách trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng chính sách xã hội như trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật, trẻ em lang thang được tập trung nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; chính sách phổ cập giáo dục tiểu học, chính sách miễn giảm học phí, cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí... 

Buổi HĐNGLL chủ đề “Tuổi trẻ hiểu luật, chấp hành luật, phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật” tại lớp học

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động trẻ em, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện những hành động cụ thể, thiết thực đặc biệt trong triển khai Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chương trình hướng đến là phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em... Một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho cộng đồng; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động. 

Nguồn tin: Tổ Sử - Địa - GDCD

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây