Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

https://chuyenlequydondb.edu.vn


Ngày thế giới phòng chống bệnh HIV/AIDS

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 12, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS để Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS với mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Ngày thế giới phòng chống bệnh HIV/AIDS

 

Logo hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS do CLB sức khoẻ học đường sáng tạo

Thực hiện văn bản số 2686/SGDĐT-CNTT&NCKH ngày 11/11/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo V/v hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tích cực hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia với những nội dung sau: Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội để hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS; Tích cực giáo dục về HIV/AIDS trong dạy học tích hợp các môn học như Sinh học, GDCD…; CLB sức khoẻ học đường tích cực truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, tổ chức sinh hoạt chủ đề trong câu lạc bộ.

Buổi sinh hoạt  online chủ đề hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS của CLB Sức khoẻ học đường - YHC

Thành viên CLB sức khoẻ học đường đeo ruy băng đỏ hướng ứng phong trào nâng cao nhận thức về HIV/AIDS

HIV/AIDS ở người được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như là đại dịch. Hiện nay ước tính có khoảng 38 triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh HIV/AIDS. Mặc dù loại virus này mới chỉ được xác định vào năm 1984,  nhưng đã có hơn 35 triệu người đã chết vì các bệnh liên quan đến nó, khiến căn bệnh này trở thành một trong những đại dịch có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây dù dịch HIV có xu hướng giảm, nhưng từ đầu năm tới nay, nước ta vẫn phát hiện thêm hơn 11.000 ca nhiễm mới, gây ra nhiều vấn đề tiềm ẩn khó lường đối với xã hội và kinh tế nước nhà.

Bên cạnh phòng và chống bệnh, nâng cao nhận thức của người dân để xoá bỏ kì thị là hành động quan trọng cần phải đẩy mạnh thực hiện. Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Khi được hỏi về việc tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, bạn Nguyễn Quỳnh Thư lớp 11B3 nói rằng: “ Tự bản thân mình nhận thức được việc tiếp xúc với người bệnh bình thường sẽ không thể lây, nhưng bố mẹ mình luôn khuyên mình tránh xa họ. Mình nghĩ cần có cách tuyên truyền hiệu quả hơn vì nếu chỉ tập trung vào sự nguy hiểm của HIV dễ khiến mọi người hiểu nhầm, khó xoá bỏ sự kì thị trong xã hội”. Nhiều người vẫn có quan niệm rằng “tốt nhất cứ tránh xa họ ra” , thậm chí cả khi họ đã hiểu rõ HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường (bắt tay, ăn uống,...). Điều đó đã để lại nhiều khó khăn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận. Xã hội cũng đã bỏ phí một nguồn lực lớn, người nhiễm HIV vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, họ bị tách biệt, không được làm việc, không được chăm sóc làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV có thể là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên sự kỳ thị đã làm mất đi một lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/ AIDS.

Ruy băng đỏ - Biểu tượng của ngày Thế giới phòng chống AIDS 

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, "Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS" năm nay với chủ đề" Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch covid -19" là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Với mục đích thu hút sự quan tâm của xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch covid -19 để tiếp tục hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đồng thời xây dựng hành vi ứng xử của mọi người với người bị mắc HIV và cách phòng chống lây nhiễm HIV qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hoạt động tuyên truyền trong trường học .

Bớt đi một ánh mắt kỳ thị là tăng thêm một tia hy vọng cho người nhiễm HIV/AIDS.

 

 

Tác giả bài viết: Đoàn trường, CLB Sức khoẻ học đường

Nguồn tin: Đoàn trường, CLB Sức khoẻ học đường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây