Tết Việt
- Thứ năm - 15/02/2018 13:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“ Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày tết rủ nhau mà về.”
Nhớ đến ngày tết rủ nhau mà về.”
Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Đây cũng là dịp gia đình Việt quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là những ngày lễ lớn nhất trong năm.
Tết Nguyên đán thực chất được bắt nguồn ở Trung Quốc vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thường diễn ra vào khoảng giữa tháng giêng và tháng 2 hằng năm. Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần người dân đã rậm rịch sắm Tết, những người đàn ông thì sơn sửa trang trí lại nhà, còn những người phụ nữ thì lo việc dọn dẹp và mua bán những đồ dùng thực phẩm cần thiết cho mấy ngày Tết. Ngày Tết đến người nhà sum họp vây quần bên nhau cùng nhau nghỉ ngơi, cùng nhau chờ năm mới tới và cùng nhau làm những phong tục đẹp của người Việt vào Tết.
Công việc đầu tiên của Tết đó là trang trí sửa soạn nhà cửa ngày Tết. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết đến xuân sang, nhà nhà đều dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp theo đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các đồ dùng trong gia đình, từ ghế ngồi, bàn thờ…đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Trên tường treo những câu đối hoặc tranh tết. Trong nhà đặt các lọ hoa với đủ màu sắc tươi mới như cúc vàng, hoa hồng…hoặc những cây quất với những trái quất vàng ươm làm rực lên một góc không gian.
Không chỉ dọn dẹp nhà cửa của mình, mà để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất thì người dân Việt Nam còn dọn dẹp cả mộ của những người đó. Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp, con cái trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Vào ngày Tết hầu hết mọi nhà sẽ đều có hoa đặc biệt là hoa đào ngoài Bắc và hoa mai ngoài Nam, và chơi hoa chính là 1 nét đẹp của người Việt Nam để đón xuân sang. Mỗi dịp xuân về, chúng ta đều đón Tết vào đầu năm mới âm lịch. Không khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết. Không phải ai cũng làm công việc này vì tính chuyên nghiệp trồng hoa cảnh rất cao, tuy nhiên, chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất có ở Việt Nam. Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa.
Ngày lễ đầu tiên của Tết Việt chính là ngày “Ông Công ông Táo”. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt Nam lại có tục cúng ông Táo. Ông Táo hay còn gọi là Thần Bếp, có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Trời. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời, nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn.Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trờì
“ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”
Tất cả những gì được nhắc trong hai câu ca dao trên chính là những nét riêng vô cùng đẹp của người Việt Nam trong Tết. Nhắc đến Tết, nhắc đến phong tục chơi hoa thì không thể bỏ quên phong tục gói bánh chưng được. Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng. Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.
Khoảnh khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới bao giờ cũng để cho chúng ta rất nhiều cảm xúc như khoảnh khắc chuyển từ hè sang thu trong bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh vậy. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong năm, nó khiến ta bồi hồi xen lẫn chút tiếc nuối một năm cũ lại khiến ta háo hức, chờ đón một năm mới. Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài – thơm.
Khi năm mới vừa đến, để có được sự may mắn, bình an thì người dân Việt Nam sẽ thực hiện phong tục xông đất vào ngày đầu tiên của năm. Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.
‘’Tết đến bạn mong chờ gì nhất ?’’ Nếu khi hỏi bất kì một đứa bé rằng: “Em thích gì nhất khi Tết đến?” thì em bé đó sẽ không ngần ngại mà trả lời : “Đương nhiên là em thích lì xì nhất rồi”. Trong văn hóa Tết thì lì xì chính là 1 nét đẹp vô cùng đặc biệt, góp phần tạo nên cái đặc biệt mang tên chất Việt và đi cùng với lì xì đó là những lời chúc tết. Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.
Tôi từng hỏi mẹ tôi: “ Tết đến mẹ có thấy vất vả không khi gần như việc trong nhà đều đến tay mẹ?”
Mẹ trả lời tôi rằng “ Vất vả chứ con, mấy ngày Tết gần như là dã dời cả chân tay.”
“ Vậy mẹ có ghét Tết không?”
“Ai lại ghét Tết chứ con. Tết là đoàn viên mà. Nếu không có Tết thì sao có gia đình có thể gặp nhau hết chứ? Con chưa phải xa nhà nên con chưa hiểu cái cảm giác khao khát Tết, khao khát đươc trở về nhà với ba mẹ là như thế nào đâu. Tết có mệt mỏi một tí nhưng chỉ cần gia đình được bên nhau thì mệt mỏi tan biến hết. Sau này con sẽ hiểu những ngày Tết là những ngày tuyệt vời nhất trong năm.’’Có rất nhiều bạn trẻ nói rằng “Tết càng ngày càng nhạt” hay “Tết nay chả vui bằng Tết xưa”… Khi các bạn nói câu đấy có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ được rằng ngày xưa nước ta thiếu thốn rất nhiều, người dân thèm được ăn ngon, thèm được mặc đẹp nên khao khát Tết đến để được bữa có đủ thịt đủ cơm, để được bộ quần áo mới đi chơi Tết. Còn bây giờ khi vật chất đã đầy đủ thì có lẽ khi Tết sang thứ chúng ta “thèm” là “cảm giác thèm ăn, thèm mặc của Tết xưa’’ chứ thật ra Tết vẫn vậy, Tết vẫn bên chúng ta, Tết không đổi!
Mỗi một dân tộc, một quốc gia đều có những phong tục, tập quán riêng. Tết Nguyên đán của người Việt Nam là một sự kiện đặc biệt mang nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền qua bao thế kỉ. Mặc dù trải qua thời gian với bao biến động của lịch sử, các phong tục đã ít nhiều bị mai một và pha trộn nhưng đã là người Việt thì dù ở đâu, đi đâu, trái tim vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc mình.
Học sinh 10A2: Trần Thị Tuyết, Trương Minh Ngọc, Đào Thu An, Lê Văn Chiến, Nguyễn Chính Hưng, Đào Thị Hạnh,
Bùi Phương Anh, Bùi Phương Uyên, Trần Minh Ngọc, Hoàng Hồng Kỳ, Phan Chí An