VỀ MỘT NGƯỜI THẦY
- Chủ nhật - 12/11/2017 08:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không biết tự bao giờ, khi nhắc đến nghề giáo, người ta nghĩ đến phấn trắng, bảng đen. Và trong những viên phấn trắng ấy, tôi lại nghĩ đến cô, viên phấn đã mài mình để viết lên tương lai tốt đẹp cho bao thế hệ học trò, như con tằm rút ruột nhả tơ trong lời thơ của Nguyễn Thúy Hạnh "Con tằm vương khắp đó đây/ Cõng từng giọt nắng đổ đầy nong tơ".
Ngày bắt đầu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục là ngày cô rời xa gia đình đến nhận công tác cách nhà hàng trăm cây số - Trường Cấp 3 Thị xã Lai Châu (nay là trường THPT Thị xã Mường Lay). Cô vẫn nhớ như in tháng lương đầu tiên của mình được cầm trên tay 400 đồng, một tờ giấy bạc 200 cùng với hai tờ 100 mỏng manh như thách thức với cả tháng ngày mà lúc bấy giờ cả đất nước phải chạy ăn từng bữa. Ấy là vào năm 1986, những năm có thể nói là "khủng hoảng" không chỉ với ngành giáo dục nhưng lại rõ nhất ở cái ngành mà những người trong nghề thường đùa nhau "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Kể với chúng tôi về những ngày đầu đi làm xa, phương tiện đi lại ít ỏi, đường xá khó khăn, phải ở trường chỉ hè và Tết mới về nhà; về khoảng thời gian đói kém đồng lương 3 cọc 3 đồng không đủ nuôi bản thân vẫn phải nhận trợ cấp từ bố mẹ, trong đôi mắt, trên nét mặt của cô vẫn ánh lên niềm vui của những tháng ngày thanh xuân sôi nổi. "Một cô gái mới hơn 20 tuổi phải đi công tác xa tránh sao khỏi những ngày đầu nhớ nhà muốn khóc ? Buồn đấy, khổ đấy, nhớ nhà đấy nhưng mình vẫn bám trụ vì nghĩ rằng mình phải cống hiến hết mình để mang tri thức đến cho các em".
Sau 3 năm công tác ở Trường THPT Thị xã Lai Châu, cô được thuyên chuyển về Trường Điện Biên I (nay là Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ). Chưa đầy 1 năm, chân ướt chân ráo cô lại tiếp tục được điều động xuống dạy bậc THCS do chính sách tinh giảm biên chế của nhà nước lúc bấy giờ. Trong 5 năm, công tác tại 3 đơn vị, qua hai lần lưu chuyển nhưng chưa bao giờ làm vơi đi nơi cô giáo trẻ nhiệt huyết mà lại như càng tôi luyện, thổi bùng lên thêm ý chí cống hiến ở cô.
Năm 1991, cô được chuyển về Trường DTNT tỉnh. Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường, của thầy Đỗ Văn Hán - nguyên Phó hiệu trưởng trường DTNT Tỉnh lúc bấy giờ và của Phòng giáo dục, cô được cử làm giáo viên cốt cán, đi tham gia các lớp tập huấn để học hỏi, trau dồi chuyên môn.
Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy nhiều học sinh có năng lực mà chưa được chú trọng bồi dưỡng, cô mạnh dạn xin nhà trường được thành lập đội tuyển học sinh giỏi của riêng mình. Có không ít người ngạc nhiên, thậm chí còn có những đồng nghiệp nghi ngờ vào tính khả thi trong đề xuất của cô. Dám vượt qua những định kiến về bộ môn cũng như những định kiến về sự bứt phá của nền giáo dục của một tỉnh miền núi trong công tác ôn luyện học sinh giỏi, vượt qua cả những khó khăn riêng của bản thân, cô đã truyền ngọn lửa đam mê và quyết tâm cho học trò của mình. "Nhớ ngày ấy khó khăn lắm, sách vở cũng ít, mà kinh nghiệm lại càng chưa có gì. Mình phải tự dạy, tự mày mò, có những vấn đề phải thao thức, trăn trở với nó không biết bao nhiêu ngày mới ra. Lại thêm vấn đề kinh tế đeo bám, khi nào không dạy là phải trồng rau, chăn nuôi để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình", nhớ lại những ngày khó khăn ấy, cô chia sẻ. "Có những hôm mình ốm, đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi cũng ốm nhưng vẫn phải cố đến trường dạy. Học trò thấy cô sốt run người, ái ngại xin chuyển sang học buổi khác. Nhưng phải dạy! Bởi công sức bỏ ra nhiều, sao vì một vài khó khăn đã bỏ được? Thương cô, học trò càng thêm cố gắng. Thế nên, khó khăn chồng chất khó khăn như vậy nhưng cô trò vượt qua hết được tất thảy". Môn Địa lý đạt được giải tỉnh, lần đầu tiên, đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, và khi nhận được kết quả thi quốc gia với 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích, thì càng "sửng sốt" hơn nữa. Cả đội mừng rơi nước mắt. Sau bao tháng ngày khổ luyện vun trồng, chăm bẵm thì mùa quả ngọt đầu tiên cũng đã được hái. Niềm hạnh phúc của cô trò cũng là niềm vinh dự của bộ môn Địa lý tỉnh Điện Biên khi lần đầu tiên được ghi danh vào bảng thành tích chung của quốc gia.
Cũng từ đây, cô bắt đầu ổn định công tác và gánh vác trọng trách của một người đặt nền móng và gây dựng thành tích cho bộ môn Địa lý của tỉnh. Từ cái nền vững chắc ấy, ngôi nhà Địa lý ngày một vươn cao với những thành tích đáng nể mà nhiều đội tuyển khác phải ao ước. Và trong các cuộc thi đó, đội tuyển của cô bao giờ cũng chiếm được những giải thưởng, lớn nhất cả về số lượng và chất lượng.
Sau 12 năm công tác tại trường DTNT Tỉnh, năm 2002 cô được lưu chuyển về Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Dù công việc đã ổn định, nhưng với tâm niệm giảng dạy ở đơn vị nào cũng là cống hiến cho giáo dục, cũng vì học sinh nên cô vui vẻ nhận quyết định. Miệt mài, tâm huyết gây dựng lại từ đầu trong niềm say sưa với nghề, năm 2003 với 4 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, giành 7/8 số giải học sinh giỏi quốc gia của toàn tỉnh, cô đã được vinh dự nhận bằng khen vinh danh của UBND Tỉnh. Người thầy giản dị từ trong cốt cách ấy, trong lời phát biểu của mình cũng chỉ nói những lời giản đơn, mộc mạc để gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã đồng hành cùng cô trên chặng đường không ít khó nhọc nhưng cũng đầy vinh quang này.
Không chỉ gặt hái được nhiều thành công trong giảng dạy, cô còn tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác, đề xuất nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao như tham gia viết sách "Lịch sử Địa lý địa phương" phục vụ cho chương trình giảng dạy Địa lý địa phương trong nhà trường của tỉnh. Trong những năm cuối thế kỷ XX, cuộc sống của người dân vùng cao vô cùng khó khăn, cô đã cùng với Ban giám hiệu nhà trường xây dựng đề tài "Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp". Thông qua đối tượng học sinh dân tộc đang học tại trường, đề tài hướng tới việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người dân vùng cao. Đồng thời, từ đó cũng hình thành và nâng cao kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống sau này cho các em.
Được Sở Giáo dục, nhà trường và đồng nghiệp tin tưởng cô được giao trọng trách giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn từ năm 2009 - 2013. Đó cũng là giai đoạn có nhiều biến chuyển, thay đổi khi lần đầu tiên nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Bằng sự nhạy bén, năng động, cô không lấy đó làm thử thách mà coi như đó là một cơ hội để học hỏi, mở mang thêm hiểu biết của mình. Làm công tác quản lý vất vả, mệt nhọc là vậy nhưng cô luôn dành một sự say mê đặc biệt cho chuyên môn, vẫn cùng các thầy cô lãnh đội và liên tiếp mang về vinh quang cho bộ môn của mình. Năm 2011, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú, năm 2015 Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen cho cô để ghi nhận những thành tích xuất sắc, những cống hiến không mỏi mệt ấy.
Chính lòng tâm huyết với nghề, tận tâm với học sinh, sự gần gũi, giản dị trong lối sống của cô đã để lại trong lòng bao thế hệ học trò và những người đồng nghiệp những tình cảm quý mến, thân tình. Cô Lê Thị Tuyết - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - một trong số rất nhiều học trò thành đạt của cô nhớ lại những ấn tượng đầu tiên về người thầy đáng kính của mình: "Với những cô cậu học trò ngày ấy, ấn tượng nhất về cô là một cô giáo duyên dáng, nhẹ nhàng với chiếc áo trắng, quần lụa đen và chiếc nón lá. Học trò ngày ấy nhát lắm! Quý cô, thích cô nhưng cũng chỉ dám nhìn từ xa, đâu có được mạnh dạn như bây giờ!". Sau này trở thành đồng nghiệp với chính cô giáo của mình, cũng như bao đồng nghiệp khác, cô Lê Thị Tuyết luôn coi cô là một tấm gương sáng để noi theo.
Là người được cô dìu dắt, giúp đỡ từ những ngày chập chững bước vào nghề, cô giáo Nguyễn Thị Dung - giáo viên Địa lý Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - vẫn không giấu nổi niềm biết ơn sâu sắc mỗi khi nhớ lại những ngày tháng học nghề của mình. "Ngày mới ra trường, hễ gặp khó khăn ở đâu, tôi đều tìm đến cô. Và mỗi lần ấy, cô đều rất kiên nhẫn lắng nghe và đưa cho tôi những lời khuyên hữu ích. Sự trưởng thành của tôi bây giờ, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến công lao của cô". Sau này, dù đã cứng cáp trên chính đôi chân của mình với những thành tích "đáng nể" trong ôn luyện đội tuyển quốc gia nhưng cô Nguyễn Thị Dung vẫn tìm đến cô để học hỏi và để tiếp tục nhận được những lời khuyên, những bài học giá trị về nghề.
Không chỉ những người đồng nghiệp mà bất kỳ ai tiếp xúc với cô, dù chỉ một lần, cũng luôn giữ lại cho mình những ấn tượng tốt đẹp. Đó là một người học trò thông minh, nhanh nhẹn trong trí nhớ của những giảng viên ở ngôi trường đại học cô đã theo học. Đó là một người giáo viên tận tụy trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh có con em được cô dạy dỗ. Đó là người truyền lửa tận tâm trong cảm nhận của các em học sinh đã và đang học cô. Và, đó là người lạc quan, gần gũi, chu đáo trong nhận xét của tất cả mọi người.
Viên phấn trắng, người thầy mà tôi muốn nói tới chính là NGƯT Trương Thị Vy, giáo viên Địa lý Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn!
Tác giả bài viết: Phạm Thương Huyền