“NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH” – LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC TẠI TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
- Chủ nhật - 15/05/2022 15:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Đọc sách chính là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn của mỗi con người, là người bạn tâm giao, chia sẻ mọi nỗi buồn, niềm vui trong sâu thẳm tâm hồn, là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được sau mỗi giờ học, giờ làm việc mệt nhọc. Chính vì lẽ đó đọc sách đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi người”. Đó là những lời phát biểu về sách và văn hóa đọc của em Biên Hòa, chi đoàn 11B5.
Để tạo không khí tươi vui, phấn khởi, giúp các thầy cô và học sinh trong nhà trường tiếp cận với văn hóa đọc một cách nhìn mới mẻ và toàn diện hơn CLB Kịch, CLB LGC, CLB MIS đã mang tới chương trình một chuỗi các trò chơi “Đoán tên cuốn sách qua vở kịch”, “Đoán tên cuốn sách qua bài hát”, “Đội chơi hay đọc”, “Đọc nhanh đáp lẹ”... Đây là cơ hội để các em học sinh bộc lộ tài năng và sự sáng tạo của mình. Từ đó, các em tự tin chia sẻ về những cuốn sách đã từng đọc cũng như giải đáp những thắc mắc xoay quanh chủ đề sách và văn hóa đọc.
Trong ngày hội đọc sách, thầy cô và các em học sinh còn vinh dự được lắng nghe những chia sẻ về cách đọc sách và vai trò của sách, cũng như lắng nghe những lời giới thiệu của Đ/c Đào Văn Thanh – Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp KNS về những cuốn sách hay. Các em học sinh trong toàn trường đã nhiệt tình tham gia giao lưu và trả lời những câu hỏi thú vị của đ/c Thanh xoay quanh chủ đề “ Sách – hành trang tri thức cho em”.
Và từ sự sáng tạo trong tư duy, sự khéo léo từ đôi bàn tay, rất nhiều mô hình sắp xếp những cuốn sách thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo gắn với các mô hình về chủ đề đất nước, mái trường, biểu tượng cho từng môn chuyên. Đồng thời, các em học sinh cũng rất linh hoạt, am hiểu sâu sắc khi thuyết minh về ý nghĩa, tính hình tượng, bố cục, điểm nhấn của mô hình.
Ngày hội văn hóa đọc đã thực sự trở thành một hoạt động văn hóa sâu rộng. Qua đó góp phần đưa văn hóa đọc trở thành thói quen cho các em học sinh, rèn cho các em biết chọn những loại sách, báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao phù hợp với tâm sinh lý của từng em; giúp các em học tập những gương tốt việc tốt, các nhân vật, sự kiện lịch sử,.... để phục vụ tốt trong việc học tập và hình thành nhân cách. Từ đó tuyên truyền giáo dục cho các em về việc đọc sách cũng như trân trọng giữ gìn và bảo vệ sách. Để phong trào ngày hội đọc sách được duy trì và phát triển, hi vọng: “Ngày hội đọc sách” sẽ không chỉ thấm sâu trong tiềm thức mỗi cán bộ giáo viên và các em học sinh mà còn tỏa rộng tới bậc phụ huynh, tới những người yêu sách./.