Tại Hội thảo nhiều vấn đề được nêu ra, nhiều giải pháp đã được đề xuất, bàn bạc thể hiện những trăn trở của các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục, của các thầy cô thuộc các trường THCS, THPT tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Còn đó những khó khăn
”Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, xác định bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ mũi nhọn, trong những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi mới trong công tác ôn luyện và giảng dạy học sinh giỏi, nhờ đó có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn đó những khó khăn, thử thách cả về bề rộng lẫn chiều sâu cho công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, nhất là học sinh giỏi quốc gia của một tỉnh miền núi như Điện Biên.
Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác ôn luyện của từng nhà trường như khó khăn về chất lượng đội ngũ giảng dạy; công tác chỉ đạo, tổ chức của các cấp lãnh đạo; chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh; hay sự đắn đo trong lựa chọn của học sinh, phụ huynh giữa việc ôn luyện chuyên sâu để thi Học sinh giỏi Quốc gia hay học để thi Đại học... Trên đại thể là thiếu sự đồng bộ, gắn kết trong công tác phối hợp phát hiện tạo nguồn từ cấp THCS, chưa thực sự lan tỏa tinh thần và trách nhiệm đến toàn thể đội ngũ giáo dục trong nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi của toàn ngành.
Khó khăn lớn nhất với các trường khối THCS chính là ở đội ngũ giảng dạy. Là một giáo viên trực tiếp ôn luyện, đồng chí An môn Vật Lý, phòng giáo dục huyện Điện Biên trăn trở cho rằng khó xác định tầm kiến thức để ôn thi chính là trở ngại lớn nhất của giáo viên. Chính vì thế, tầm nhìn bao quát chương trình, bộ môn, các chuyên đề để từ đó có định hướng ôn thi hạn chế dẫn đến kết quả của các đội tuyển mới chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, chưa có sự bứt phá trong công tác ôn luyện.
Nhìn chung, khó khăn về đội ngũ giảng dạy, học sinh ôn luyện; về chính sách ưu đãi là những khó khăn chung của các trường nhưng đây lại là những yếu tố then chốt, quyết định trong việc đưa chất lượng các đội tuyển đi lên.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ?
Muốn duy trì và hơn hết là tạo được những đột phá trong chất lượng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, trước hết cần phải tạo được khung nền rộng, đặc biệt là phải có nền móng vững. Rộng là phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi toàn ngành, sâu và vững chắc là sự phối hợp phát hiện, tạo nguồn từ cấp THCS. Hội thảo đã lắng nghe 12 tham luận, 11 ý kiến phát biểu trực tiếp của đại diện các trường thuộc khối THCS và THPT trong việc giải quyết nhiệm vụ cả bề rộng lẫn chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng ôn luyện đội tuyển.
Đại diện cho khối các trường THCS trực thuộc Phòng Giáo dục Thành phố, đồng chí Bùi Thị Thu Hiền, Phó Phòng giáo dục đào tạo Thành Phố đưa ra về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của phòng giáo dục Thành Phố, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư chiều sâu cho đội ngũ giảng dạy học tập, tham quan tại các trường THCS có thế mạnh của các tỉnh bạn. Nhờ đó, công tác bồi dưỡng của nhà trường được nâng cao.
Đại diện cho khối các trường THCS trực thuộc Phòng giáo dục Huyện Điện Biên, đồng chí Đặng Quang Huy, Phó trưởng phòng phụ trách phòng giáo dục đào tạo Huyện Điện Biên trình bày tham luận về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của phòng giáo dục huyện Điện Biên. Tuy chưa tổ chức được những cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy với các trường miền xuôi nhưng Phòng giáo dục Huyện Điện Biên đã có những chỉ đạo sát sao và linh hoạt trong việc ôn luyện, chuyển hóa kiến thức trong chương trình từ bậc THPT nhằm mang đến những thay đổi đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đội tuyển. Đồng chí cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học sinh giỏi với quan điểm "chỉ có nhân tài mới đào tạo được nhân tài".
Là những đơn vị trực tiếp thừa hưởng những thành quả ôn luyện từ bậc THCS, các trường THPT cũng đóng góp nhiều ý kiến quý giá trong việc nâng cao chất lượng cho cấp học, góp phần mang đến những thành tựu chung của ngành giáo dục Điện Biên. ”Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia là kết quả của những nỗ lực cố gắng của Ban giám hiệu và thầy cô ôn luyện. Đó là kết quả của một hành trình dài đầy khó khăn thử thách, từ khâu phối hợp phát hiện, tạo nguồn học sinh giỏi đến đầu tư xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, ôn luyện đội tuyển”. Ths. Lê Thị Biên - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhấn mạnh. Trong đó, không thể không kể đến sự phối hợp của nhà trường với các trường THCS trên địa bàn tỉnh nhằm tìm kiếm, phát hiện những nhân tố tiềm năng để tiếp tục bồi dưỡng trong các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của nhà trường. Sự phối hợp trong các hoạt động liên kết giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh đã mang đến những thành quả đáng ghi nhận cho công tác giảng dạy của nhà trường. Tính trong 5 năm học gần nhất, từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2019 – 2020, nhà trường đã có 2289 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 76 học sinh đạt giải quốc gia.
Những năm gần đây số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh của trường THPT huyện Điện Biên được nâng cao, từ kinh nghiệm của người quản lý, đồng chí Nguyễn Thị Hòa - Phó hiệu trưởng trường THPT huyện Điện Biên khẳng định đó là kết quả của việc mạnh dạn trong thay đổi công tác quản lý như khích lệ học sinh, chọn thầy cô ôn luyện tâm huyết, phân công bồi dưỡng giáo viên phụ trách ôn HSG xuyên suốt trong cả 3 năm, phân công bồi dưỡng theo nhóm…
Đặc biệt, trong tham luận ”Công tác phát triển, tạo nguồn và phối hợp bồi dưỡng học sinh giỏi từ cấp THCS”, tổ Ngoại ngữ, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chỉ rõ: công tác ôn luyện giữa bậc THCS và THPT cần phải tạo được sự liên kết, phối hợp với nhau trong việc phát triển, tạo nguồn và ôn luyện học sinh giỏi bằng cách cử giáo viên của trường Chuyên về bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán của các trường THCS, chia sẻ một số chuyên đề ôn thi học sinh giỏi... Công việc này cần phải sát sao, quyết liệt và thường xuyên hơn nữa từ công tác xây dựng kế hoạch, chương trình ôn thi, công tác giảng dạy đến việc phát hiện các nhân tố. Có như vậy, mối liên hệ giữa khối trường THPT với trường THCS mới đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hợp tác trong ôn luyện mới được nâng cao.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp thể hiện tâm tư, trăn trở của các nhà trường, đồng chí Thái Đình Huyên, Trưởng phòng giáo dục Trung học, sở Giáo dục và Đào tạo, đề nghị các nhà trường cần chú trọng công tác tạo nguồn từ lớp 10, 11; cách thức phát hiện HSG; làm tốt công tác sinh hoạt cụm chuyên môn cần; đề xuất mời Sở và giáo viên cốt cán về bồi dưỡng. Về ngân sách càng ngày càng khó khăn nên rất khó để có cơ chế về tài chính tốt hơn, đề nghị các trường phát huy từ nội tại. Đối với trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đồng chí đề nghị nhà trường tuyển bổ sung học sinh trường ngoài vào đội tuyển nếu đảm bảo chất lượng.
Lắng nghe những chia sẻ, ghi nhận những nỗ lực khắc phục khó khăn của các nhà trường, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Đoạt, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhất trí, ủng hộ các ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí trực tiếp ôn thi. Đồng chí nhấn mạnh: ”Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, trước hết, mỗi giáo viên cần tự nâng cao trình độ của mình, không ngừng học hỏi; các nhà trường nghiên cứu kết nối, học hỏi với các đơn vị vùng đồng bằng; đề nghị trường Chuyên nghiên cứu để có đội tuyển HSG quốc gia các môn có lớp chuyên, xác định rõ nhiệm vụ của ban giám hiệu về việc tổ chức Đảng, đoàn thể, BGH trách nhiệm đến đâu, các tổ trưởng chuyên môn trách nhiệm như thế nào với nhiệm vụ này, gắn trách nhiệm của từng giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh với nhiệm vụ ôn luyện HSG như thế nào, lộ trình để có giải”. Về cơ chế chính sách, Sở Giáo dục cũng có nhiều trăn trở nhưng do cơ chế nên chế độ ưu đãi, nhất là chưa có chế độ chuyên biệt cho trường chuyên. Sở sẽ tiếp tục kiến nghị với các cấp, ngành để tạo ra cơ chế tốt nhất cho công tác ôn luyện nhân tài. Đồng chí đề nghị quản lý các trường nghiên cứu thêm phần cơ chế xã hội hóa nhưng đúng luật, đúng quy định.
Những khó khăn, bất cập được nêu ra không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Không tham vọng đi sâu vào thảo luận đến công tác bồi dưỡng ở từng bộ môn, từng khối lớp nhưng Hội thảo mở rộng do trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức đã chạm đến những băn khoăn, trăn trở lâu nay của những nhà quản lý, của thầy cô giảng dạy – những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Từ đó, mỗi nhà trường sẽ tiếp tục đặt ra và từng bước giải quyết những câu hỏi lớn cho công tác ôn luyện của nhà trường, tạo sự kết nối, đồng thuận chung trong giải quyết bài toán học sinh giỏi của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên. Như TS. Phạm Hồng Phong – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tin tưởng: ”Hy vọng sau hội thảo này các cơ sở giáo dục sẽ đăng cai chủ trì tổ chức các hội thảo theo từng bộ môn là thế mạnh của mình, qua đó thảo luận sâu các nội dung như nâng cao chất lượng giáo viên, xây dựng kế hoạch và các chuyên bồi dưỡng môn học”.
Tác giả bài viết: Phạm Huyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn