NHÃN QUAN PHONG TỤC TRONG "VỢ CHỒNG A PHỦ" CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI
Thứ bảy - 05/10/2019 22:01
Tô Hoài được mệnh danh là nhà văn của phong tục. Ông có một nhãn quan phong tục đặc biệt nhạy bén và sắc sảo. Những phong tục bao đời nay của dân tộc ta vốn đã rất phong phú và độc đáo nhưng khi vào tác phẩm của Tô Hoài, nó lại được miêu tả sinh động và lôi cuốn gấp bội phần. Có thể nói, dù viết về những người dân ngoại thành Hà Nội, về đồng bào miền núi cao Tây Bắc hay truyện về loài vật, Tô Hoài cũng khéo léo đưa vào đó những phong tục, tập quán quen thuộc của con người Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, xin đi sâu vào phân tích nhãn quan phong tục của Tô Hoài trong tác phẩm tiêu biểu của ông: Vợ chồng A Phủ.
Phong tục là đặc trưng văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của một cộng đồng người từng quần tụ với nhau hàng nghìn năm trong một vùng lãnh thổ. Đó là thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. Việc thể hiện phong tục trong tác phẩm đem đến cho người đọc những tri thức bổ ích về đời sống, những hiểu biết thú vị về những vùng trời xa lạ hay về một thời kì lịch sử thường không còn vang bóng. Thông qua những trang viết đậm màu sắc phong tục, người đọc biết được ở thời kì ấy, miền đất ấy, dân tộc ấy có những thói quen sinh hoạt, cách ăn mặc, nói năng, vui chơi, lao động, cách giao tiếp, ứng xử, những nghi lễ tôn giáo như thế nào.
Vợ chồng A Phủ là tác phẩm tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đề tài miền núi. Mảng sáng tác về đề tài này được coi là một “đặc sản” của ông. Căn cứ vào số lượng tác phẩm và hành trình sáng tác, có thể coi Tô Hoài là nhà văn viết nhiều nhất, thủy chung nhất với đề tài miền núi. Chính những năm tháng thâm nhập thực tế vùng núi cao Tây Bắc đã giúp Tô Hoài có một vốn sống phong phú và sâu sắc về cuộc sống và con người đồng bào các dân tộc vùng đất này.Bởi vậy, đọc Vợ chồng A Phủ, ngoài bức tranh hiện thực về đời sống xã hội, người đọc còn bị thu hút bởi những trang miêu tả phong tục sinh hoạt với màu sắc dân tộc đậm đà, với những chi tiết độc đáo, sinh động của một cây bút có óc quan sát thông minh, tinh tế.
1. Tục cho vay nặng lãi
Tục cho vay nặng lãi ở miền núi thời phong kiến được thể hiện tập trung ở nhân vật Mị. Số phận của Mị tiêu biểu cho số phận người phụ nữ H’mông nghèo ngày trước: có đầy đủ phẩm chất để được sống hạnh phúc nhưng lại bị đọa đày trong kiếp sống nô lệ.
Đi tìm nguyên nhân cho số phận bất hạnh của cô Mị, người đọc có dịp hiểu về tục cho vay nặng lãi – nỗi lo sợ hãi hùng của biết bao số phận người lao động nghèo khổ miền núi trước Cách mạng. Ngày xưa, bố mẹ Mị lấy nhau không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm phải đem nộp lãi một nương ngô. Rồi đến khi mẹ Mị chết, bố Mị đã già mà món nợ ấy vẫn như một sợi dây oan nghiệt: “Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, đến bây giờ người ta bắt con trừ nợ, không thể làm khác được rồi”. Mị muốn được làm chủ cuộc đời bằng sức lao động của chính mình: “Con nay đã biết cuốc nương, làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Nhưng đâu có được! Tục cho vay nặng lãi đã trói Mị vào món nợ truyền kiếp. Từ đây, Mị phải sống cuộc đời của người con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Định mệnh bi thảm đã giáng xuống cuộc đời người thiếu nữ ấy, buộc chặt cô vào số phận nô lệ không có lối thoát.
2. Tục cướp vợ trình ma
"Bản Mèo ánh trăng sáng
Tay dắt cương giấu con ngựa dưới sàn
Chàng trai người Mông vắt em yêu ngang lưng ngựa đó
Ngựa mang thiên thần lên đỉnh núi".
Những câu hát trong ca khúc “Cướp vợ” của ban nhạc Ngũ Cung đã phần nào nói lên phong tục cưới hỏi rất đặc sắc của người H’mông. Trai gái H’mông yêu nhau, chàng trai thỏa thuận với người yêu tổ chức cuộc “cướp” mang người con gái về nhà mình. Sau đó mới đến trình nhà vợ. Thường mùa xuân ăn tết, con trai hay đi “cướp vợ”. Đây là phong tục thanh niên rất thích và bây giờ vẫn còn.
Mị là cô gái đẹp, thổi kèn hay, nhiều người mê Mị “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Tết năm ấy, Mị bị A Sử - con trai thống lí Pá Tra đánh lừa, lợi dụng tục này cướp cô về làm vợ. Xót xa thay, hắn đâu cưới Mị vì tình yêu, hắn và người nhà hắn bắt Mị về ép duyên để gạt nợ: “Họ nhốt Mị vào buồng. Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa”. Ngòi bút hiện thực tỉnh táo của Tô Hoài đã phanh phui bản chất bóc lột giai cấp được ẩn sau những phong tục tập quán. Cô Mị tiếng là con dâu nhưng thực chất chỉ như một nô lệ, thứ nô lệ người ta không phải mua mà lại tha hồ được bóc lột, hành hạ.
Ý thức phản kháng của Mị cũng dần tiêu tan chỉ vì ý nghĩ : mình đã bị đem trình ma thì có chết cũng trở thành ma nhà thống lí, chết cũng không được tự do. Hủ tục đã giết chết hạnh phúc của Mị. Suy nghĩ lạc hậu, mê tín dị đoan – một phần trong tâm linh người dân tộc H’mông cũng là một phần nguyên nhân khiến cuộc đời Mị rơi vào bi kịch. Tình cảnh của Mị là chứng cớ tố cáo mãnh liệt nhất bọn cường hào cho vay nặng lãi. Vợ chồng A Phủ chính là bản cáo trạng hùng hồn về những nối thống khổ của người phụ nữ miền núi – những người vừa phải chịu gánh nặng của chế độ phong kiến, vừa bị trói chặt trong xiềng xích của thần quyền.
3. Tục xử kiện, phạt vạ, trình ma người vay nợ.
Sự xuất hiện của nhân vật A Phủ cũng góp phần thể hiện nhãn quan phong tục của Tô Hoài. A Phủ có số phận bất hạnh, mồ côi cả cha lẫn mẹ, suốt đời làm thuê làm mướn. Anh nghèo đến nỗi không thể nào lấy được vợ và cũng không có nổi cái vòng bạc để đi chơi tết như bao chàng trai H’mông khác. Chính những hủ tục “phép rượu”, “phép làng” và tục cưới xin nên A Phủ trở thành tứ cố vô thân, không sao lấy được vợ.
Ngày tết, A Phủ rủ bạn đi chơi đánh pao. A Sử đến phá đám bị A Phủ đánh. Cũng vì thế, A Phủ bị trói mang đến nhà Pá Tra. Bằng ngòi bút miêu tả phong tục bậc thầy, Tô Hoài đã tái hiện sống động một cuộc xử kiện quái lạ, từ đó vạch trần cách áp bức dã man, trắng trợn kiểu trung cổ của bọn thống lí miền núi. Cuộc xử kiện diễn ra trong không gian của màu khói thuốc phiện “xanh như khói bếp”, của mùi khói thuốc phiện ngào ngạt. Những kẻ tham gia vào bộ máy xử kiện thì “nằm dài cả bên khay đèn”. Cứ hút xong một đợt thuốc phiện, Pá Tra lại ra lệnh, trai làng lại thay nhau lạy tên thống lí lia lịa rồi xông ra đánh A Phủ. Như vậy, cuộc xử kiện quái đản này thực chất chỉ là một cuộc tra tấn người dã man của bọn chúa đất – những con nghiện: “suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút”. Cuối cùng, người con trai tự do của núi rừng như A Phủ cũng không thoát khỏi nanh vuốt của lũ chúa đất. Từ đây, anh vĩnh viễn trở thành nô lệ cho nhà Pá Tra: “Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng… Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Như vậy, bản chất của phạt vạ ở đây chỉ là để thỏa mãn cho bọn thống quản ăn chơi, hút xách.
Bằng nhãn quan phong tục sắc sảo, Tô Hoài đã giúp người đọc hiểu thêm về những tục lệ kì quái, dã man của bọn chúa đất, chúa rừng trước kia. Câu chuyện về A Phủ - người nô lệ gạt nợ đã bổ sung cho câu chuyện về Mị - người con dâu gạt nợ để làm hoàn chỉnh bản án về tội ác của bọn thống trị phong kiến đối với những người lao động lương thiện ở miền núi trước Cách mạng.
4. Những ngày tết vùng cao, đêm tình mùa xuân.
Với vốn hiểu biết phong phú, khả năng quan sát sắc sảo và năng lực dựng người, dựng cảnh tinh tế, tác giả đã phác họa được những bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, miêu tả sinh động nhiều phong tục độc đáo của người H'mông.
Tết của người vùng cao không giống tết ở miền xuôi. Người H'mông ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Cho nên cái tết năm ấy đến Hồng Ngài giữa lúc "gió và rét rất dữ dội" nhưng cũng không ngăn được niềm vui đang trỗi dậy trong tâm hồn những người dân ở đây, đặc biệt là ở những đôi trai gái yêu nhau. Tô Hoài đã đặc tả không khí ngày tết với những từ ngữ giàu chất tạo hình, qua đó hiện lên bức tranh ngày tết miền núi tràn ngập màu sắc và âm thanh: "Trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ [...] Đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà". Ông cũng đặc biệt chú trọng đến những phong tục lạ, ngộ nghĩnh qua con mắt tò mò, hóm hỉnh của mình: "Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn", "Các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn".
Khi viết về những ngày tết ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài cũng rất chú ý miêu tả tiếng sáo. Sáo H’Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng:" Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi". Đó là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với con gái trong bản làng. Trong "Vợ chồng A Phủ", ngòi bút Tô Hoài cũng tỏ ra rất thành công khi lột tả được nét đặc trưng, lột tả được "cái hồn" của tiếng sáo: "Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sao rủ bạn đi chơi", "Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh". Tiếng sáo còn là cách tỏ tình đặc biệt của người con trai miền núi: "Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách".
Thời gian cứ tiếp nối, những ngày tết vùng cao và đêm tình mùa xuân của ngày xưa và ngày sau dường như vẫn thế. Tiếng sáo gọi bạn tình vượt qua thời gian, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim biết bao chàng trai cô gái miền sơn cước.
Trong Vợ chồng A Phủ, với biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục xã hội, Tô Hoài đã tạo dựng được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, một không gian nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc độc đáo ở vùng cao Tây Bắc. Thông qua tác phẩm, người đọc có thêm những tri thức bổ ích về đời sống, phong tục tập quán của dân tộc H'mông đó là tục cho vay nặng lãi; tục cướp vợ trình ma; tục xử kiện, phạt vạ, trình ma người vay nợ... Tất cả được Tô Hoài miêu tả với những tìm tòi, khám phá sâu sắc, không phải bằng kiến thức dân tộc học khô khan mà là qua nhãn quan phong tục vô cùng độc đáo và những trang viết thấm đẫm tình người.