NHỮNG ĐỊA DANH CHÚNG TÔI ĐÃ ĐI QUA Phần 10: QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Thứ tư - 06/12/2017 20:56
Ngày nay, khi nhìn lại lịch sử vương triều Nguyễn (1802-1945) - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc, bên cạnh những trách nhiệm không thể chối từ trước vận mệnh đất nước, chúng ta cũng không thể phủ nhận công lao của nhà Nguyễn trong việc xác lập, định hình lãnh thổ nhà nước Việt Nam thống nhất, cuộc cải cách hành chính tiến bộ thời vua Minh Mạng và một kho di sản văn hóa đồ sộ. Trong đó có những di sản văn hóa có giá trị toàn cầu, nổi bật là quần thể di tích Cố đô Huế.
         Quần thể di tích Cố đô Huế gồm toàn bộ những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa.
        Tổng thể kiến trúc của Cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
 
Một phần quần thể di tích Cố đô Huế
Một phần quần thể di tích cố đô Huế (Internet)

        Kinh thành được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
        Hoàng thành, khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn, nằm bên trong Kinh Thành, được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông, mỗi chiều khoảng 600m với 4 cổng ra vào. Trong đó độc đáo nhất, thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô đó là Ngọ Môn. Hoàng Thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội.
 
Ngọ Môn (Hoàng thành Huế)
Ngọ Môn (Hoàng Thành Huế)

        Tử Cấm Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
        Đi về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Lăng vua đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam.
        Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ. Lăng Gia Long gần gũi nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận. Lăng Minh Mạng uy nghi, bình chỉnh giữa rừng núi, hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ. Lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ,…
 
Hoàng Trạch Môn lăng Ming Mạng
Hoàng Trạch Môn - Lăng Minh Mạng

         Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo xưa kia, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Tiêu biểu là Chùa Thiên Mụ. Ông Amadou MahtarM’bow - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét về di sản văn hóa Huế: “Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.   
        Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình có nhiều lễ tế: lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán,... mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung đình (Gọi chung là nhã nhạc cung đình Huế).
 
Văn nghệ mô phỏng Nhã nhạc cung đình Huế
Văn nghệ mô phỏng nhã nhạc cung đình Huế

       Với những di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như trên, năm1993, tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO đã quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá của nhân loại. Năm 2003 Nhã nhạc cung đinh Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Ngày nay, Huế còn được biết đến là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
 
24826037 1370865206373593 1708109262 o

24898794 10155237147329389 609274974 n
Thầy Phạm Hồng Phong - Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô tại di tích cố đô Huế
 
(Sưu tầm và biên soạn: Hoa sữa)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TKB KHOA BIỂU ONLINE 2023-2024
LỊCH BÁO GIẢNG ONLINE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây