Đi đôi với chất lượng giảng dạy kiến thức trên lớp thì công tác Đoàn thanh niên chiếm một vị trí quan trọng trong các trường THPT trong giai đoạn hiện nay. Tất cả các hoạt động của Đoàn trong trường học đều hướng tới sự rèn luyện kỹ năng sống cũng như định hướng về tư duy, lối sống, suy nghĩ tích cực cho các em học sinh giúp các em có cái nhìn đúng đắn, lối sống lành mạnh hơn, phát triển học sinh một cách toàn diện. Đặc biệt giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức trách nhiệm cho học sinh là một trong những yêu cầu cơ bản, thiết yếu của giáo dục nói chung và giáo dục nhà trường nói riêng. Đối với thanh niên, trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đó lại càng trở nên cấp thiết. Để chất lượng công tác Đoàn thanh niên trong khuôn khổ nhà trường được tốt không chỉ hoạt động của ban chấp hành Đoàn tốt mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội trong nhà trường và các tổ chuyên môn cũng như các thầy cô giáo bộ môn. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn đề cập đến sự phối hợp của tổ chức Đoàn với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn.
Trong những năm học qua giữa đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chuyên môn, gv bộ môn đã có sự phối hợp trong công tác Đoàn thanh niên, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những thực trạng nhất định: Chúng ta chỉ cần nhìn vào buổi sinh hoạt tập thể ngày thứ 2 tuần vừa qua trong phần phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học trong khi thầy Dũng phát động ở trên, học sinh ở dưới lốn nhốn đứng dậy rời khỏi hàng đi lên lớp hay lên căng tin, ngồi lên ghế đá, nói chuyện tự do…mặc cho chúng tôi có đề nghị giáo viên chủ nhiệm quản lý học sinh của trên loa, yêu cầu các lớp trưởng điểm danh và báo cáo số lượng chính xác học sinh lớp mình tự ý bỏ đi trong giờ sinh hoạt tập thể thì cũng chỉ có bóng dáng của 3 GVCN hỗ trợ cùng chúng tôi, còn số khác không thấy đâu, hay các buổi học sinh đi học muộn, lang thang trên căng tin ko chịu vào lớp nếu kiểm tra sổ đầu bài thì chẳng hề thấy bất kỳ quyển sổ đầu bài nào ghi lại việc học sinh vào muộn các tiết học. Hay việc đoàn trường, nhà trường phát động 1 cuộc thi văn nghệ lớn chào mừng ngày nhà giáo VN nhưng có tập thể lớp lại không có tiết mục nào tham dự. Những điều nói ở trên nó chỉ là 1 số ví dụ nho nhỏ, không phải là bức tranh toàn cảnh về sự phối kết hợp giữa ĐT-GVCN-GVBM trong công tác Đoàn TN nhưng nó cũng nói lên được phần nào thực trạng về mối quan hệ này.
Thực tế cho thấy nếu sự phối hợp giữa đoàn trường và GVCN, GVBM chặt chẽ thì kết quả giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm của học sinh sẽ đạt kết quả tốt hơn rất nhiều. Những vấn đề nhỏ như thực hiện nề nếp học sinh, vệ sinh, viết cam kết những điều không vi phạm, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chung của nhà trường, phát động cuộc thi, các phong trào …nếu GVCN quan tâm và sát sao, GVBM kích lệ học sinh đồng thuận với đoàn trường thì hiệu quả cũng được nâng lên. Theo tôi, để công tác Đoàn thanh niên, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm trong học sinh nếu thực hiện đồng bộ thì hiệu quả tâng lên rất nhiều để thực hiện điều đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa đoàn trường – GVCN- GVBM
Thứ nhất, về phía Đoàn trường: Đoàn trường được giao công tác phụ trách nề nếp, phong trào học sinh toàn trường. Chúng tôi sẽ tích cực đưa ra các giải pháp phù hợp và có hành động cụ thể để quản lý nề nếp học sinh. Đoàn trường quản lý nề nếp học sinh thông qua đội xung kích và duy trì trực nề nếp của cán bộ đoàn trưòng trong các buổi sinh hoạt tập thể. Đội ngũ xung kích và ban thi đua sẽ chấm điểm nề nếp của học sinh thông qua các tiêu chí thi đua đã quy định. Tổ chức và thu hút các em tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phát huy tính tích cực, sáng tạo của các em. Thường xuyên nghiên cứu nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong học sinh, những xu hướng, trào lưu mới trong thanh niên để có những nội dung định hướng, giáo dục kịp thời và phù hợp, đi kịp với tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội.
Thường xuyên thông tin với giáo viên chủ nhiệm về tình hình học sinh của lớp, có biện pháp xử lý, đề nghị giáo viên xử lý những học sinhh thường xuyên vi phạm nội quy. Đối với những lớp không tham gia các phong trào do Đoàn trường phát động thì chúng tôi cũng chưa có chế tài để xử lý, mới dừng ở bước không cộng điểm thi đua cho phong trào đó. Cũng mong hội nghị lần này chúng ta cho giải pháp để làm tốt công tác đoàn
Thứ hai, về phía giáo viên chủ nhiệm: Tôi cho rằng, để phối kết hợp tốt với đoàn trường, GVCN phải đưa ra được những quy định, tiêu chuẩn thi đua cụ thể, sát với quy định của nhà trường. Những tiêu chuẩn thi đua đó phải thiết thực, đánh giá được tương đối chính xác và toàn diện học sinh, góp phần khuyến khích và nhắc nhở các em trong học tập và sinh hoạt. Với hình thức thi đua trên thì mọi hoạt động của học sinh đều được giám sát và chấm điểm thi đua, từ những vi phạm đến những việc làm tốt đều được đánh giá và ghi nhận chính xác, kịp thời.
GVCN thường xuyên bám sát lớp, nắm chắc các diễn biến xảy ra trong lớp, các hoạt động phong trào mà đoànn trường, nhà trường phát động để có biện pháp giáo dục kịp thời và hiệu quả, cũng như khích lệ các em tham gia. Phải có mặt trong giờ chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt tập thể và thường xuyên quản lý kiểm tra ý thức học sinh của mình trong suốt buổi đó, có mặt vào đầu giờ học. Trực tiếp quản lý các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường và đoàn thanh niên. Thường xuyên trao đổi thông tin với đoàn trường về tình hình học sinh của lớp mình.
Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, ban chấp hành chi đoàn làm tốt công tác tự quản và chủ động tích cực trong các hoạt động thi đua. Giáo viên chủ nhiệm tích cực đổi mới giờ sinh hoạt lớp, tổ chức các hoạt động tích cực lành mạnh trong giờ sinh hoạt. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hiện tốt các quy định của nhà trường không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các câu chuyện người thực, việc thực.
Đối với các lớp có điểm thi đua xếp cuối mỗi tuần và các học sinh vi phạm lỗi, đoàn trưòng đề nghị các giáo viên chủ nhiệm nghiêm túc phối hợp cho học sinh lao động để việc phê bình có hiệu quả. Những phong trào do đoàn trường phát động đề nghị GV nắm bắt và khích lệ các em tham gia.
Thứ ba, về phía giáo viên bộ môn: Nếu chỉ giao việc quản lý nề nếp cho đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm thì việc quản lý nề nếp học sinh sẽ khó đạt hiệu quả cao. Vì không phải lúc nào đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt bên cạnh để quản lý nề nếp học sinh. Do vậy việc quản lý nề nếp học sinh cần có sự phối kết hợp của giáo viên bộ môn. Đối với nề nếp trong giờ học, chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác của giáo viên bộ môn bằng cách mỗi giờ học, giáo viên bộ môn kiểm tra sỹ số học sinh vệ sinh phòng học, đề nghị học sinh thực hiện việc đeo thẻ học sinh, mặc đồng phục đúng quy định và một số nội quy khác. Giáo viên bộ môn ghi rõ tên học sinh vi phạm vào sổ ghi đầu bài và đánh giá cho điểm nghiêm túc giờ học để việc giáo dục học sinh có hiệu quả. Giáo viên bộ môn kịp thời thông báo những học sinh vi phạm nội quy tới giáo viên chủ nhiệm và đoàn thanh niên để phối hợp giáo dục. Giáo viên bộ môn nên lồng ghép trong các kiến thức môn dạy của mình việc tuyên truyền ý thức, trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của học sinh. Tôi tin tưởng rằng nếu đoàn trường – giáo viên chủ nhiệm – giáo viên bộ môn phối hợp tốt cùng tham gia quản lý thì nề nếp học sinh của trường ta sẽ nhanh chóng đi vào quy củ.
Cuối cùng để viêc phối hợp đạt hiệu quả tôi đề nghị cần có quy chế phối hợp giữa Đoàn thanh niên - giáo viên chủ nhiệm – giáo viên bộ môn để công tác Đoàn được phát triển tốt hơn.
Nguyễn Hằng Nga