Tôi - chàng trai 16 tuổi học lớp chuyên Tiếng Anh nhưng có niềm yêu thích bất tận với văn chương. Tôi quyết định theo đuổi đam mê mặc dù niềm đam mê ấy đi ngược lại mong muốn từ gia đình. Cũng một phần, tôi muốn đập tan định kiến của nhiều người về văn chương: học văn là yếu ớt, yểu điệu, đơn giản,... Bản thân là người từng nếm trải những lời giễu nhại đó, nên tôi càng quyết tâm hơn với niềm đam mê có vẻ khác với số đông của mình. Và rồi tại ngôi trường này, tôi biết mình sẽ có những cơ hội để chứng tỏ khả năng. Nhưng cơ hội lớn đồng nghĩa với thách thức lớn, tôi phải trải qua những ngày tháng cảm thấy mình thật kém cỏi, ngượng nghịu, ''lạc lõng'' giữa ''chốn đông người"
Giữa lúc bất lực như vậy, thật may mắn khi tôi gặp được cô - cô Hạnh Ngân - người đã ''tẩy'' đi bao ''vết chì đen'' trong suy nghĩ của tôi lúc ấy.
Thực sự, cô là người thầy dạy Văn đầu tiên của tôi trên một con đường mới đầy chông gai - con đường gần sát cánh cửa đại học. Đối với tôi, những kiến thức cơ bản trên lớp là không đủ để tôi theo đuổi đam mê, tôi phải tiếp xúc, học tập kiến thức khác, mới hơn, nâng cao hơn và ''hại não'' hơn. Những lúc ấy, cô là người ân cần giảng giải cho tôi. Cô chưa bao giờ thấy phiền trước những câu hỏi của tôi, bất kể thời gian. Có những khi cảm thấy mệt mỏi tột độ, những kiến thức cứ trơ lì trên trang giấy không chịu đi vào trong đầu, tôi lại nhắn tin nhờ cô giải đáp. Ngay cả khi đó là giữa trưa hay thậm chí là một giờ sáng, cô vẫn lập tức trả lời. Cô vẫn nói “Giảng cho em cũng là cách để cô học”. Không chỉ bằng những lời lẽ khô cứng của lí thuyết, thỉnh thoảng, cô lại pha những câu nói hài hước, thú vị. Từ đó, những lí thuyết khô khan kia bỗng trôi vào đầu tôi từ lúc nào không hay, bằng một cách nào đó, nhẹ nhàng và thoải mái. Luôn theo sát tôi nhưng không hề gây một ''miligram'' áp lực, cô luôn động viên tôi rằng: ''Cố lên em, đừng sốt ruột, cứ từ từ rồi sẽ hiểu ...''. Tôi còn nhớ, sát ngày thi học sinh giỏi cấp Tỉnh lớp 10, vì tôi là thành viên duy nhất của đội tuyển là dân “ngoại đạo” (không phải lớp chuyên Văn) nên rất hoang mang và lo lắng. Khi đó, dù con cô bị ốm phải nằm viện, cô vẫn cố gắng đến trường để ôn thêm kiến thức cho tôi. Cô đến vội vã trong bộ quần áo mặc ở nhà, ngại ngùng nói: “thông cảm nhé, cô không mang quần áo đi làm vào viện”. Vội vã là thế nhưng khi giảng bài cho tôi, cô lại kiên nhẫn đến lạ lùng…
Có lẽ quãng thời gian học tập đáng nhớ nhất đối với tôi cho đến lúc này là khi ôn thi Trại hè Hùng Vương. Những kiến thức lí luận khó nhằn mà xa lạ với tôi quá, tôi luôn tự hỏi “Đống kiến thức này là gì? Có thể cho vào đâu trong bài? Sao mà toàn ngôn ngữ kì dị thế?” Thật nhiều những câu hỏi như thế hiện lên trong tâm trí tôi mỗi buổi ôn tập. Biết được khó khăn của tôi, cô luôn giảng giải cho tôi thật kĩ, động viên những khi tôi mệt mỏi, bất lực. Đến tối trước hôm thi, tôi như người mất hồn, vật vờ ngoài hành lang đọc lại kiến thức mà sao toàn như mới. Hơi bất lực, nhưng trước lời động viên của cô, tôi như ổn định lại tinh thần: “Những gì không chắc chắn thì gác nó lại đi em. Ngày mai cứ tự tin dùng tất cả những gì mình đã học, đã nhớ để viết, cô tin thế nào cũng có giải thôi''. Cảm giác bất lực lúc ấy cũng chưa thể bằng lúc tôi bước ra khỏi phòng thi, tôi lo lắng với bài thi của mình, bởi tôi cảm thấy đáng lẽ mình có thể làm được nhiều hơn thế. Tôi cáu bản thân mình lắm, những câu hỏi“tại sao?” cứ luẩn quẩn trong đầu. Nhưng chúng cũng tan biến bởi những lời hỏi han, động viên của cô: “Em đã cố hết sức rồi, vậy thì không có gì phải hối tiếc cả”. Mấy ngày đợi kết quả, tôi như người chuẩn bị ra pháp trường, cô cũng bận đi chấm thi nên tôi không nói chuyện được nhiều với cô. Thấp thỏm, bồn chồn đến tận ngày trao giải. Rồi khi ban tổ chức xướng tên tôi được Huy chương Bạc, hạnh phúc như vỡ òa. Khi lên bục nhận giải, nhìn thấy cô chụp ảnh cho mình, sao tôi vui và hạnh phúc quá! Niềm vui nhân đôi khi người thầy đã được nhận “món quà trái ngọt” từ mình sau bao vất vả! Đam mê của tôi, nhờ có cô, đã thu lượm những bông hoa đầu tiên!
Tạm rời xa bàn học đầy sách vở, những lúc rảnh rỗi, tụi tôi lại được cô đưa đi chơi, ăn ốc, uống trà sữa… Đó là những buổi “xả stress” đúng nghĩa giúp tôi vơi đi áp lực của đống sách vở chất như núi kia. Cô cũng “teen” lắm, cứ như đang ở độ tuổi bọn tôi vậy. Cô cũng hào hứng chụp ảnh, trò chuyện “chém gió”, mua vòng tay “team” cùng tụi tôi. Tôi thiết nghĩ, giá như tiếp thu đống tài liệu kia mà sảng khoái như đi “quẩy”' thế này thì sướng làm sao! Nhưng thỉnh thoảng, cô cũng mắc “bệnh nghề nghiệp”: “Dạo này em học được những gì rồi, học thế nào rồi” Có lẽ cô cũng nhận ra sự căng thẳng của tôi sau mỗi buổi ôn Đội tuyển Quốc gia. Đam mê của tôi, vẫn còn một chặng đích ở phía trước, cũng gần kề rồi, những lúc mệt mỏi, bất lực thì câu nói ấy của cô lại hiện lên trong tâm trí tôi như mách bảo tôi phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa: ''Cố lên. Em là niềm tự hào của cô!"
Ôi trời! Thiết nghĩ, liệu sau này, tôi cũng như các bạn khác, còn ai nhớ, còn lưu luyến những kiến thức dày cộp kia không? Không, chắn chắn không. Thứ ta muốn nhớ và muốn nó in hằn lên tâm trí là những kỉ niệm - kỉ niệm của sự vất vả lo âu những ngày ôn tháng luyện, kỉ niệm của những buổi nô đùa, hàn huyên, tâm sự. Những kỉ niệm “con” ấy nuôi dưỡng những kỉ niệm “mẹ” - kỉ niệm của tình thầy trò, kỉ niệm về mái trường một thời thương nhớ... Nơi ấy, có những người lái đò khiêm nhường, giản dị mà đáng kính, đáng trọng xiết bao!
Viết những dòng này sao trống ngực tôi cứ dội liên hồi vậy? Phải chăng, đó là những nhịp đập của tương lai dội về, nhịp đập để gợi nhớ một khoảng trời kỉ niệm đã xa, mà ai cũng muốn là con chim bay lượn trên khoảng trời ấy mãi mãi, không bao giờ mỏi cánh, cho đến già...?
Mùa thu năm 2018
Cô Hạnh Ngân trong trái tim học trò: