Đoàn do TS Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, thành viên là những thầy cô giáo tiêu biểu và học sinh là Bí thư, lớp trưởng các lớp, là thành viên của các câu lại bộ Thiện nguyện, Ghi ta, Khiêu vũ.
Ngày 4/11, Đoàn đã đến thăm THPT Chà Cang. Tại đây, Đoàn đã giao lưu và tặng quà cho học sinh nhà trường với hơn 1010 chiếc quần áo, 01 thùng sách và 15 thùng mỳ tôm do chính các bạn học sinh trong trường quyên góp, ủng hộ. Các em học sinh trong đoàn không chỉ được giao lưu, gặp gỡ mà còn được trải nghiệm cuộc sống của học sinh trường THPT Chà Cang trong bữa cơm trưa tại khu bếp ăn nội trú của trường, trị giá mỗi suất ăn là 7.500 đồng. Câu chuyện trong bữa ăn giúp các em học sinh trong trường Chuyên Lê Quý Đôn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống, học tập và sinh hoạt của các em học sinh nội trú đến từ các bản làng xa xôi. Khó khăn lớn nhất của những người bạn đồng trang lứa nơi đây là những thiếu thốn về kinh tế, vất vả trong đi lại. Có những bạn đi học xa nhà hàng tuần nhưng chỉ có bao gạo nhỏ, một ít tiền, bữa cơm nhiều khi chỉ chan nước muối trắng. Từ ngày nhà trường có bếp ăn nội trú lại được hỗ trợ từ nhà nước nên bữa ăn của các bạn đã cải thiện hơn, có rau, có thịt... Qua câu chuyện của các bạn, các em biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết đồng cảm, sẻ chia với các bạn có hoàn cảnh còn khó khăn và hơn hết là học được tinh thần vượt khó, vươn lên hoàn cảnh, niềm lạc quan, ý chí, nghị lực từ những người bạn của mình.
.
Sau chuyến thăm trường THPT Chà Cang, ngày 5/11, Đoàn đến thăm trường THCSBT Sín Thầu. Điều đầu tiên các em có thể nhìn thấy được đó là cũng như học sinh trường THPT Chà Cang, các em học sinh nơi đây còn có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các thầy giáo nhớ lại: Trước đây cơ sở vật chất của nhà trường còn rất khó khăn, những lớp học chỉ là những mái nhà tạm bợ, xiêu vẹo, học sinh bỏ học nhiều. Giờ đây trường đã có những phòng học khang trang hơn, sạch sẽ hơn, tuy nhiên, đời sống của các em nơi đây còn rất vất vả, có những em học lớp 7 nhưng chỉ giống như học sinh lớp 2, lớp 3 ở thành phố. Chia sẻ với khó khăn của các em, Đoàn cũng đã tặng món quà là hơn 380 chiếc quần áo, 03 thùng sách và 15 thùng mỳ tôm. Món quà tuy không phải là nhiều và có giá trị lớn, xong lại là tấm lòng chân thành, ấm áp của cán bộ giáo viên và các em học sinh nhà trường gửi đến các em học sinh trường THCSBT Sín Thầu khi những ngày mùa đông đang đến gần.
Cũng trong ngày, Đoàn đã đi thăm cột mốc không số A Pa Chải (cột mốc chung của biên giới ba nước Việt Nam - Lào và Trung Quốc) thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đoàn đã nhận được sự quan tâm, tiếp đón nhiệt tình của Ban lãnh đạo và các chiến sỹ của Đồn biên phòng A Pa Chải, được các chiến sỹ dẫn đường lên cột mốc. Để đến được cột mốc, các em cũng phải đi bộ trên chính con đường mà ngày nào những người chiến sỹ cũng đi, được trải nghiệm những vất vả mà hàng ngày các chiến sỹ đối mặt. Hơn 4km đường rừng trơn trượt, đầy đá sỏi và dốc ngược là sự thử thách ý chí và quyết tâm của cả đoàn, nhất là những em học sinh chưa từng leo núi. Đây là đoạn đường mà như các chiến sỹ kể chỉ cần một cơn mưa nhỏ thôi cũng khiến cho đường lầy trơn, có khi bị sạt lở mất đường không thể qua nổi. Cuối cùng, sau hơn 2 tiếng leo núi, đoàn đã đặt chân lên cột mốc được mệnh danh “con gà gáy cả ba nước nghe thấy”. Được tận mắt chứng kiến, được tự mình trải nghiệm, các em đã thực sự thấu hiểu sự vất vả, hi sinh quên mình của các chiến sỹ ngày đêm canh giữ biên giới bảo vệ chủ quyền quốc gia, từ đó thêm yêu quý, tự hào cũng như nhận rõ trách nhiệm của bản thân với đất nước. Trung tá Phạm Hồng Giang, đồn trưởng đồn biên phòng A Pa Chải cho biết “đây là đoàn cán bộ giáo viên và học sinh được tổ chức chính thức đầu tiên từ trước tới nay lên thăm cột mốc, hình ảnh của đoàn sẽ được giữ gìn trong trang truyền thống của Đồn”.
Chia tay Đồn biên phòng A Pa Chải đoàn tiếp tục lên đường đếm dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ. Khu tưởng niệm được xây dựng tại đồn biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nhằm ghi nhớ công lao to lớn của người cán bộ cách mạng mang quân hàm xanh Trần Văn Thọ trong công cuộc chiến đấu với giặc ngoại xâm và giặc dốt đối với xã Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Các em được nghe cô giáo Hằng Thu kể về chiến công của người anh hùng Trần Hữu Thọ, quan trọng hơn là được tự mình thấy, tự mình đọc và khắc ghi những tên tuổi của những anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất nơi đây. Nén hương tri ân trước vong linh của người anh hùng Trần Văn Thọ và các anh hùng là sự bày tỏ lòng biết ơn chân thành của những người con đang sống trong hòa bình, hạnh phúc – thành quả mà cha ông đã phải đánh đổi bằng cả máu xương. Qua đây, giúp khơi dậy ở các em tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước và các em nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, từ đó hình thành nên ý thức trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc.
Cũng trong khuôn khổ của chuyến đi, ngày 6/11, Đoàn đã đến thăm Đoàn Kinh tế - quốc phòng 379 đứng chân trên địa bàn xã Mường Nhé. Tại đây, Đoàn đã được nghe các đồng chí Chỉ huy Đoàn Kinh tế - quốc phòng 379 giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, chức năng, nhiệm vụ và những kết quả đã đạt được. Dù lời giới thiệu rất ngắn gọn nhưng các em đã phần nào hiểu được những vất vả, gian nan của những người chiến sỹ biên phòng để có thể gây dựng được những thành quả như ngày nay tại một địa bàn mà tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, kẻ thù luôn nhòm ngó. Buổi nói chuyện không chỉ là sự chia sẻ những khó khăn của các chiến sỹ nơi đây trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng kinh tế địa bàn mà còn giáo dục ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước.
Chiều 6/11, Đoàn trở về trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, kết thúc chuyến đi thực tế. Chuyến đi thực tế đã thu được những kết quả tốt đẹp. Không chỉ giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, tính kỷ luật mà quan trọng hơn, qua chuyến đi, các em được giao lưu, nghe, thấy và tìm hiểu đời sống thực tế sinh hoạt của các em học sinh trường khác, của cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, đến thăm cột mốc cực Tây Tổ quốc, thăm Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, từ đó giúp thay đổi nhận thức của các em. Có thể nói, chuyến đi dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã cho các em có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống cũng như hun đúc nên tình cảm cao đẹp và trách nhiệm đối với bạn bè, xã hội và bồi đắp thêm tình yêu đối với Tổ quốc.