DẠY VẬT LÍ VỪA SỨC HỌC SINH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THI THPTQG GIẢM BỚT TÌNH TRẠNG HỌC THÊM

Thứ năm - 20/10/2016 09:58
Sau 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi THPT, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Từ đó vấn đề "Dạy vật lý vừa sức học sinh, đáp ứng yêu cầu đề thi THPTQG, giảm bớt tình trạng học thêm" trở nên thiết thực hơn bao giờ hết
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Kế thừa những kết quả đã đạt được và điều chỉnh những bất cập, hạn chế sau 2 năm 2015 và 2016 thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.
Từ đó vấn đề "Dạy vật lý vừa sức học sinh, đáp ứng yêu cầu đề thi THPTQG, giảm bớt tình trạng học thêm tràn lan" trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Sau đây tôi xin trình bày những suy nghĩ cá nhân của mình về vấn đề nêu trên.
Đầu tiên, chúng ta cùng nhau phân tích đề thi minh họa:
1. Tìm hiểu đề minh họa cho kì thi THPT Quốc Gia 2017
Ngày 05/10/2016 Bộ Giáo dục đã công bố bộ đề thi minh họa cho kì thi THPT Quốc Gia 2017
Môn Vật lí nằm trong tổ hợp KHTN với Hóa và Sinh. Đề gồm 40 câu với thời gian làm bài là 50 phút.
- Khác với lần công bố đề thi minh họa môn vật lí năm 2015 (Bộ ra dạng ghép các câu của các bộ đề những năm trước đó cho đủ 50 câu và làm theo kiểu cho có), thì lần này Bộ đã làm rất cẩn thận và chi tiết.
Nhận xét chung cho đề minh minh họa môn Vật Lí năm nay như sau:
1- Đề có mức độ tương đương với đề thi năm 2016
2- Có 27 câu (67,5%) ở mức độ dễ (học sinh học lực trung bình khá và học chắc sẽ làm được 6.75 điểm). Tính ra điểm số còn cao hơn năm 2016 (chỉ có 30 câu dễ, tương đương với 6 điểm).
3- Áp lực về thời gian  làm bài lớn hơn năm trước (1,25 phút / 1 câu so với năm trước là 1,8 phút/ 1 câu)
Các thầy cô xem thống kê ma trận đề ở bên dưới:
 
 
 

* Phân tích đề:
- Kiến thức được phân bố đều chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Đề thi có tính phân hóa cao, đa dạng, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ. Các câu trong đề thi sắp xếp hợp lí theo thứ tự từ dễ đến khó như năm vừa rồi (Biết - hiểu - vận dụng - vận dụng mức độ cao).
Với đề minh họa này, học sinh trung bình, khá có thể làm được từ 5 đến 6 điểm, học sinh xuất sắc có thể làm đạt đến điểm 10 điểm.
- Nội dung và cấu trúc đề đảm bảo tính kế thừa của đề thi năm học 2015-2016, không có sự thay đổi đột ngột so với các năm học trước nhưng vẫn đảm bảo bước đầu đáp ứng được tinh thần đổi mới giáo dục, qua đó có thể đánh giá được kiến thức tổng hợp của học sinh.
- Đề minh họa năm nay có các câu đánh giá năng lực chung, năng lực chuyên biệt trong môn Vật lí như: năng lực giải quyết vấn đề là các câu: 7, 20; năng lực thực nghiệm là câu: 37; năng lực sử dụng mô hình là câu 20.
- Có các câu yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn liên quan đến bộ môn Vật lí là câu 11, câu 24, câu 38 nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
- Có các câu yêu cầu học sinh nắm được kiến thức tổng hợp và kiến thức liên chương trong chương trình Vật lí lớp 12, nhằm yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức trong toàn bộ chương trình lớp 12 như là câu 39, câu 40.
- Do sự đổi mới trong cách thi, nên học sinh phải thực hiện nhiều câu hỏi trong một bài thi, đồng thời cũng phải làm nhiều bài thi trong cùng một buổi thi. Vì vậy nội dung các câu được làm ngắn gọn, dễ hiểu, không dài dòng và không gây mất thời gian đọc của học sinh. Sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu Vật lí đơn giản, thông dụng để học sinh nhanh chóng thực hiện được nội dung câu hỏi. Nội dung câu hỏi không đánh đố và không gây khó khăn cho học sinh về ngữ nghĩa, ngôn từ. Tăng cường các hình ảnh, hình vẽ, sơ đồ, số liệu để học sinh giảm sự ghi nhớ máy móc và tập trung vào đánh giá được năng lực của học sinh. Cái này tiến bộ so với các năm trước.
- Không thấy có câu hỏi khó về mặt toán học.
2. Thực trạng ôn thi THPT Quốc gia môn Vật lí
Trong năm học này, qua tìm hiểu của riêng cá nhân. Tôi thấy: Giáo viên dạy trên lớp và ngoài giờ hành chính còn nặng về hàn lâm lí thuyết, nặng nề về toán học. Có những giáo viên giải cả 1 bảng vẫn chưa xong 1 câu. Sức thu hút của giáo viên ôn thi với học sinh giảm. Hiện số lượng học sinh tràn ra ngoài học khoảng 50 đến 60 em chiếm khoảng trên 30% số học sinh thi xét tuyển đại học với tổ hợp có môn Vật lí. Tuy nhiên, vào những thời điểm gần đây nhiều học sinh đã tự quay trở lại ôn thi tại trường và không học ở bên ngoài nữa.
3. Nguyên nhân
a. Khách quan:
- Sức thu hút của giáo viên bên ngoài là tương đối lớn.
+ Họ dạy bài tập dễ hiểu hơn, ngắn gọn và nhanh hơn 1 số giáo viên của trường.
+ Tận tụy hơn, họ có thể bỏ ra nhiều buổi chỉ dạy 1 – 2 học sinh yếu kém để vực học sinh đó cho kịp với nhóm học điều này ở trường ta chưa giáo viên nào làm được.
+ Giáo viên ôn thi bên ngoài năm ngoái có điểm trung bình là 7,45. Điểm từ 9 trở lên là 2; Từ 8 trở lên là 10. Cao ngang lớp 12C1 chứng tỏ họ ôn luyện cũng không hề kém ta.
+ Nhiều học sinh có điểm cao nhất trường trong các năm học trước đều học giáo viên này. Nhiều con của lãnh đạo cũng theo học giáo viên đó.
+ Số học sinh trong 1 nhóm ít hơn và sự đồng đều của học sinh trong nhóm đó rất tốt.
- Chúng ta thành lập lớp ôn muộn.
+ Tháng 3 chúng ta chuyển sang học lớp 12 nhưng chưa tổ chức được lớp ôn đại học mà mới chỉ là những nhóm ôn của 11 với số buổi là 01 buổi/tuần (thực tế chỉ 0,5 buổi/tuần vì nhiều lí do phải nghỉ học) trong khi chương trình lớp 12 để ôn đại học là rất nhiều cho nên gây sự hoang mang cho học sinh và phụ huynh.
Đặc biệt là phụ huynh có trình độ cao, có điều kiện kinh tế và có con nghiện game.
Do đó, các phụ huynh sẽ tìm cách để cho con học bên ngoài vì sợ rằng con không đủ kiến thức và con nghỉ nhiều sẽ chơi game.
Ngoài ra những học sinh ở những lớp đầu rất chịu khó học, thậm chí không cần nghỉ hè.
Với những phụ huynh và học sinh như vậy thì thời gian nghỉ hè 2 tuần là quá đủ.
+ Giáo viên dạy bên ngoài trong hè từ 5 – 6 buổi/tuần tạo nên sự an tâm cho học sinh và phụ huynh. Trong khi đó chúng ta nghỉ hè 2 tháng và có những lớp top đầu đến 15/8 mới học.
- Số buổi học thêm của 1 tuần trong năm học là ít. Trên lí thuyết là 02 buổi/tuần nhưng thực tế chỉ dạy được 1,2 - 1,5 buổi/tuần do nhiều lí do mà phải nghỉ học, nhưng số buổi nghỉ đó không được bù lại.
- Chương trình trên lớp quá nhanh so với chương trình ôn thi đại học ngoài giờ hành chính.
- Phụ huynh học sinh chưa thực sự tin vào giáo viên. Phụ huynh của những gia đình có điều kiện họ không ngại gì cho con học 1 lúc nhiều thầy cô.
- Giáo viên trong trường ngoài việc ôn thi THPTQG còn phải làm rất nhiều những công việc khác. Nhưng bên cạnh đó, giáo viên ngoài họ chỉ tập trung vào dạy lớp 12, phải thừa nhận họ sưu tầm tài liệu, các phương pháp mới và bỏ công bỏ sức với lớp 12 hơn chúng ta. Chúng ta có 1 đội ngũ tiền bối có sức “ì” của quán tính, 1 lớp trẻ phía sau thực sự chưa tạo được “đà” quán tính.
b. Chủ quan:
- Giáo viên còn nặng về dạy hàn lâm, nặng về toán học dài dòng.
- Giáo viên chưa nhiệt huyết trong ôn thi THPTQG.
- Nguồn tài liệu nghèo nàn, chưa update những dạng bài mới.
- Giáo viên chưa thực sự tìm hiểu những cách giải mới nhanh hơn, gọn hơn.
- Giáo viên chưa thực sự chuẩn bị bài kĩ trước khi lên lớp. Nhiều bài giải cả 1 bảng xong vẫn chưa tìm ra đáp án. Nhiều bài giải chưa chính xác gây mất niềm tin ở học sinh.
4. Kiến nghị và đề xuất:
a. Đổi mới cách tổ chức dạy và lập nhóm ở lớp 11:
- Lớp 11 chúng ta chưa học chương trình 12 vội vì học sinh được học mà không được ôn luyện kĩ sẽ gây ra tình trạng hoang mang.
- Thống nhất với phụ huynh và tổ chức các lớp học ngay sau cuộc họp phụ huynh cuối năm lớp 11.
- Thực tế, giáo viên bên ngoài chỉ dạy được bài tập mà không dạy được lí thuyết trên lớp. Họ chỉ đón nền của ta. Điều này do các phụ huynh có trình độ so sánh và nhận xét. Cho nên theo tôi cuối lớp 11 ta chưa dạy kiến thức lớp 12 làm gì vì cả hè chúng ta không dạy học sinh buổi nào và cũng không cần dạy nền cho giáo viên bên ngoài làm gì.
b. Thay đổi cách dạy học:
- Căn cứ vào đề thi minh họa chúng ta dạy lí thuyết tỉ mỉ hơn, dạy bài tập ngắn gọn và dễ hơn thì học sinh sẽ yên tâm học ở trường. Điều này thể hiện rõ khi học sinh học bên ngoài đã và đang có xu hướng quay trở lại trường học.
- Xóa dần sự hoang mang của học sinh và phụ huynh cuối lớp 11. Tạo sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh vào nhà trường.
- Xây dựng hệ thống chuyên đề ôn thi có chất lượng, từ đơn giản đến phức tạp. Thường xuyên update những dạng bài mới, nhưng phương pháp mới hay, lạ, độc.
- Dạy thực tiễn hơn là hàn lâm lí thuyết. Sử dụng các thiết bị thí nghiệm, mô phỏng cho học sinh rõ các hiện tượng vật lí.
- Xây dựng hệ thống đề thi thử vừa sức học sinh, định hướng theo đề minh họa. Giải chi tiết các đề thi thử để học sinh và giáo viên có thể tham khảo.
- Chuẩn bị kĩ lưỡng bài dạy trước khi lên lớp, với đề thi minh họa như vậy chúng ta không nhất thiết phải giải những bài mất 15 phút mới ra được đáp án.
Trên đây là bản tham luận của tôi. Bản tham luận mang nhiều ý kiến của cá nhân nên không tránh khỏi sự thiếu sót rất mong sự góp ý của đồng nghiệp để bản tham luận được hoàn thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Ngọc Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TKB KHOA BIỂU ONLINE 2023-2024
LỊCH BÁO GIẢNG ONLINE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây