NHỮNG ĐỊA DANH LỊCH SỬ CHÚNG TÔI ĐÃ ĐI QUA Phần 2: Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ

Thứ tư - 16/11/2016 21:38
Ngày 5/11/2016, trên cung đường chạy từ A-pa-chải về thị trấn huyện Mường Nhé, đoàn chúng tôi dừng lại thắp hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ và các chiến sĩ biên phòng đã hi sinh tại nơi ngã ba biên giới.
         Anh Trần Văn Thọ sinh năm 1935. Nguyên quán: Cẩm Khê - Phú Thọ. Trú quán: Trấn Yên - Yên Bái. Năm 1952 anh Trần Văn Thọ nhập ngũ, đơn vị của anh chuyên hoạt động ở vùng rẻo cao biên giới thuộc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La trong điều kiện vô cùng phức tạp, nguy hiểm nhưng các anh luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
          Sau Chiến thằng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, đơn vị của anh Thọ tiếp tục  làm nhiệm vụ tiễu phỉ, ổn định đời sống nhân dân vùng cao biên giới.
          Cuối 1958 anh chuyển sang đóng quân tại địa bàn biên giới Đồn 5 Leng Su Sìn (nay là đồn 405 Bộ đội Biên phòng Điện Biên). Anh được phân công công tác vận động quần chúng tại xã Sính Phình - Mường Tè - Lai Châu (cũ), nơi dân tộc Hà Nhì sinh sống, địa bàn hiểm trở, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Anh Thọ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, giúp nhân dân sản xuất, anh còn chăm sóc, tắm rửa, cắt tóc cho trẻ em, giúp đỡ các gia đình nghèo bằng chính phần gạo, thuốc men mà anh được cấp phát... Từ những hành động cụ thể và chứa đầy tình cảm của anh, đồng bào đã tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, thấy rõ âm mưu thâm độc của địch.
          Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách của Đảng, anh Thọ còn giúp nhân dân thay đổi lối làm ăn lạc hậu, tập quán dư canh du cư. Anh đã bỏ tiền túi tìm mua giống mới, lưỡi cày, hướng dẫn bà con sử dụng lưỡi cày, lưỡi bừa, gieo mạ, canh tác lúa nước. Nhờ sự tận tình của anh nên năng suất vụ mùa 1959 rất cao, bà con vô cùng phấn khởi, ra sức xây dựng Hợp tác xã.
          Sính Phình là xã không chỉ nghèo về kinh tế mà còn đói về văn hóa khi hầu hết nhân dân đều mù chữ, 100% nam giới và 60% nữ giới nghiện thuốc phiện, hủ tục địa phương còn nặng nề. Anh tuyên truyền, giúp đỡ cán bộ địa phương bỏ thuốc phiện trước, sau mới tuyên truyền, giáo dục nhân dân làm theo. Anh còn vận động anh em trong đồn ủng hộ giấy, bút giúp nhân dân trong xã học văn hóa. Anh tranh thủ thời gian nghỉ ngơi của mình trực tiếp dạy chữ cho 24 cốt cán, nhờ đó từ 1959 việc học văn hóa trở thành phong trào quần chúng toàn xã.
          Do làm việc quá sức trên địa bàn khó khăn, anh Thọ bị ốm nặng nhưng vẫn cố bám dân công tác. Năm 1961 trên đường cùng bà con gia cố nhà cửa, khắc phục mưa lũ, anh Trần Văn Thọ bị sốt rét ác tính và hi sinh trong sự tiếc thương vô hạn của đồng đội và đồng bào dân tộc địa phương. Xót thương cho người chiến sĩ giành hết tâm sức và tuổi trẻ của mình cho đồng bào vùng cao, ngày an táng anh bà con dân bản Leng Su Sìn kéo đến rất đồng, tình cảm của họ được thể hiện bằng cách mỗi người mang một hòn đá từ suối Păng Pơi cách đó 2 km về xếp quanh mộ anh, họ tự tay dựng bia tưởng nhớ người đồng chí - người con của dân bản.
          Để tri ân, tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, tháng 8/2014 Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tổ chức khởi công xây dựng khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ cùng 28 chiến sĩ biên phòng đã nằm xuống nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào để bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc, vì sự yên lành, ấm no của nhân dân.
 
15086458 828343037307924 1182994154 n (1)
Đoàn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thắp hương tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ
 
Tác giả bài viết: Phạm Hằng Thu

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TKB KHOA BIỂU ONLINE 2023-2024
LỊCH BÁO GIẢNG ONLINE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây