Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
HÀNH TRÌNH CHẠM ĐẾN ƯỚC MƠ
Thứ ba - 25/07/2023 14:20
Đến với tiếng Trung như một sự “run rủi”
Học xong chương trình THCS, như bao bạn bè cùng trang lứa khác, chúng tôi đứng trước thử thách về sự lựa chọn quan trọng đầu tiên trong cuộc đời: Học trường nào? Học chuyên gì? Lựa chọn trường có vẻ dễ hơn với chúng tôi, bởi mái trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên là niềm ao ước của biết bao cô cậu học trò, không phải chỉ đến lúc đứng trước ngã rẽ, mà đã được nhen nhóm ngay ở bậc Tiểu học: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là trường “đỉnh” nhất, là học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là “xịn” nhất. Nhưng thi chuyên gì, học chuyên nào để phù hợp nhất với năng lực của bản thân và tốt nhất cho tương lai của chính mình thì khó khăn hơn cả. Đến với lớp chuyên tiếng Trung, học tiếng Trung Quốc, đối với chúng tôi, như một sự run rủi: đứa lựa chọn như một cách “cứu rỗi” cho khoảng trống không thể lấy lại của môn tiếng Anh, đứa được học theo kiểu “lọt tiếng Anh xuống tiếng Trung”. Dẫu vậy, chúng tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc vì quyết định này của chính mình. Đó là cơ may, là “cái duyên tốt lành” cho chúng tôi mở cánh cửa bước vào con đường rộng mở cho tương lai.
Rất nhiều trăn trở trên hành trình chinh phục ước mơ
Nhưng sự thuận lợi ấy không phải đã được nhìn thấy ngay tức thì… Hành trình chinh phục ước mơ với chúng tôi thật nhiều cảm xúc, băn khoăn, trăn trở, hơn cả là sự sợ hãi.
Chưa từng biết, chưa từng viết, chưa từng phát âm. Chừng ấy cái “chưa từng” khiến chúng tôi phải lao đao, vất vả với thứ tiếng khó cả cấu tạo chữ viết và phát âm, chỉ cần sai một chút là sang một cách hiểu khác và chữ với nghĩa khác. Thực sự, khoảng thời gian đầu học chuyên, với chúng tôi là một áp lực nặng nề.
Rồi tính xa hơn, chúng tôi cũng chưa thể xác định rõ học chuyên tiếng Trung sẽ chọn khối - ngành - trường đại học nào. Trong khi các bạn ở các lớp chuyên khác có biết bao sự lựa chọn, biết bao những định hướng cho tương lai thật rõ ràng.
Nhiều lúc, chúng tôi đã phải đặt câu hỏi cho mình: “Liệu có chọn sai?”
“Có công mài sắt có ngày nên kim”
Trong tâm trạng với nhiều âu lo người đã khai mở cho chúng tôi là cô Phạm Thu Hằng (giáo viên dạy tiếng Trung của nhà trường). Bằng tâm huyết của mình cô đã chia sẻ những điều chúng tôi cũng như gia đình băn khoăn, định hướng cách chinh phục ước mơ với những khối ngành và trường đại học tốp đầu, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Tiếng Trung là bộ môn nhiều thách thức nhưng xã hội hiện nay rất cần, bởi các khu công nghiệp sử dụng tiếng Trung trong nước ta rất nhiều, thị trường xuất khẩu các mặt hàng, xuất khẩu lao động sang các nước sử dụng tiếng Trung rất lớn, đường biên giới nước ta nối liền đường biên giới nước Trung Quốc, 1/5 dân số thế giới sử dụng tiếng Trung, nhân lực cho ngành ngôn ngữ và làm việc bằng tiếng Trung rất cần… Cô cũng chia sẻ với chúng tôi về những tấm gương các anh chị chuyên tiếng Trung khóa trước của trường đã biến cái khó của tiếng Trung thành lợi thế của mình mang vinh dự, tự hào về cho bản thân, gia đình, thầy cô, nhà trường khi là những sinh viên được tuyển thẳng vào các trường đại học danh tiếng, ra trường 100% cơ hội có việc làm… Tất cả những điều đó không phải để cho chúng tôi tự huyễn hoặc về mình, cũng không phải là huyễn hoặc về môn tiếng Trung. Cô thẳng thắn chỉ ra cho chúng tôi những chướng ngại, những khó khăn, thách thức mà người học tiếng Trung phải thực sự nỗ lực để vượt qua. “Tiếng Trung không khó, khó hay không là do sự chăm chỉ của các em”, câu nói ấy của cô đã truyền động lực cho chúng tôi, biến bộ môn “khó nhằn” trở nên thú vị, thách thức đam mê khám phá, học hỏi của mỗi thành viên 12C8.
Cá chép thì khao khát hóa rồng. Học sinh chuyên tiếng Trung chúng tôi thì khao khát thi đỗ chứng chỉ HSK và HSKK cao cấp. Đó là “tấm vé” cho chúng tôi bước lên những chuyến xe tốt nhất của cuộc đời. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào lớp 10, cô Phạm Thu Hằng đã hướng chúng tôi đến cánh cửa rộng mở ấy. Tuy không phải ai trong lớp chúng tôi cũng đủ khả năng bước lên những nấc thang cao nhất của HSK, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, sự nỗ lực, sự hi sinh những khoảng thời gian giải lao vốn đã ít ỏi mà còn thách thức năng khiếu ở bộ môn, nhưng chúng tôi đều biết cuộc đời mỗi người cần phải biết đề ra mục tiêu để hướng tới những điều có giá trị.
Mọi sự cố gắng của chúng tôi cùng với sự dìu dắt của Ban giám hiệu, của các thầy cô giáo bộ môn, sự quan tâm động viên của gia đình, đặc biệt là sự giảng dạy tận tình của cô Phạm Thu Hằng, cuối cùng đã được đáp đền xứng đáng. Rất nhiều bạn trong lớp chúng tôi đã được xét tuyển thẳng vào các trường đại học danh tiếng của cả nước: Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Thương mại; Và cả chúng tôi - Chào Nguyễn Ánh Nguyệt, Lê Trần Bảo Ngân, hãnh diện và vinh dự được là 2 trong 3 học sinh trong toàn quốc được xét tuyển thẳng vào Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Công an bằng hình thức xét tuyển chứng chỉ HSK và học bạ THPT.
“Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Mượn câu nói của Constantinus Đại đế, chúng tôi muốn nói rằng: Dù chọn chuyên nào thì việc tin vào sự lựa chọn của mình và hết mình với sự lựa chọn ấy sẽ đưa bạn tới thành công. Chúc cho các bạn, những người đi sau chúng tôi luôn mạnh mẽ và thành công!
Tác giả bài viết: Chào Nguyễn Ánh Nguyệt, Lê Trần Bảo Ngân