Bài toán ý tưởng
Là xuất phát điểm của khởi nghiệp, ý tưởng là bài toán đầu tiên các bạn phải đối mặt. Chi phối đến các yếu tố khác của kinh doanh, các bạn học sinh phải lựa chọn cho mình một ý tưởng mang tính khả thi cao. Bán mặt hàng gì, trang trí gian hàng thế nào để vừa đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, vừa độc đáo, tạo sự hấp dẫn, đồng thời lại mang đến lợi nhuận tốt nhất?
Đối với các anh chị đã được trải nghiệm qua ít nhất một lần tham gia hội chợ thì việc lên ý tưởng vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi đã nắm bắt được nhu cầu của thị trường những năm trước nhưng khó là để làm sao cho những ý tưởng luôn phải thay đổi, sáng tạo, mang đến những diện mạo mới cho gian hàng. Tham quan hội chợ, khách hàng không khó nhận thấy ở các gian hàng của khối 11 và khối 12 có sự khác biệt rõ rệt với khối 10. Các gian hàng được đầu tư trang trí cầu kỳ, bắt mắt với bóng bay, hình ảnh ấn tượng và hệ thống đèn nháy, đèn chiếu sáng và cả sự kỳ công trong việc mặc đồ thú bông thu hút mọi ánh nhìn. Mặt hàng cũng hết sức đa dạng, từ đồ ăn, sách vở, đồ lưu niệm, đồ handmade, khung ảnh .... Đặc biệt, khu trò chơi luôn là điểm đến hấp dẫn khách tham quan. Riêng chi đoàn 11B2 có nhiều tài năng nghệ thuật thì khoảng trống nhỏ cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho những “nghệ sỹ đường phố” biểu diễn những tiết mục ngẫu hứng đầy sôi động.
Bắt đầu chập chững kinh doanh, các bạn học sinh khối 10 khá khó khăn trong việc lựa chọn hàng hóa. Cùng thảo luận để thống nhất trong ý tưởng, gian hàng của những nhà kinh doanh tập trung vào đối tượng khách hàng nhỏ tuổi với những mặt hàng như bóng bay hình thù ngộ nghĩnh, slime, đồ ăn hình thú... Thực đơn cũng được các bạn đầu tư từ tên gọi đến màu sắc trang trí.
Bài toán tài chính
Giải quyết xong khâu ý tưởng, bài toán tài chính khiến các bạn khá “đau đầu” khi gần như tất cả các thành viên trong lớp chưa có khả năng kiếm tiền. Đi từ con số 0, các thành viên buộc phải vay vốn từ phụ huynh. “Đối với học sinh chúng em, việc nhận vốn từ sự tài trợ của bố mẹ không khó nhưng chúng em muốn tự đi bằng đôi chân của chính mình. Vì vậy, số vốn lẽ ra được cho không sẽ trở thành khoản nợ để chúng em phải trả từ công việc kinh doanh của mình.” (Trần Lê Uyên - 10A1). “Việc nghĩ tới một khoản vay cần phải trả là động lực không nhỏ để chúng em mạnh dạn và quyết liệt hơn. Nhưng hấp dẫn nhất là nghĩ tới số lãi sẽ được thu về.” (Linh Linh – C7)
Có ý tưởng kinh doanh tuyệt vời nhưng không đồng nghĩa với mức thu về cao. Điều này buộc các “nhà khởi nghiệp” phải tìm lời giải cho hoạt động điều hành mà kỹ năng tài chính là quan trọng nhất. Chi tiêu bài bản, có kế hoạch cụ thể, tiết kiệm là yếu tố then chốt cho việc sử dụng hiệu quả vốn của gian hàng. “Vốn huy động và vốn vay không phải trả lãi nhưng chúng em phải tính toán bán mặt hàng gì, bán bao nhiêu mới đủ chi phí và có lãi; phân bổ tỷ trọng về nguồn lực tài chính hợp lý cho từng mặt hàng; phân tích tài chính để biết nên đầu tư phát triển vào mặt hàng nào; có những gì có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh... Chỉ bán hàng trong 2 tiếng rưỡi nhưng quả thật khối lượng công việc phải giải quyết không dễ dàng.” (Quang Huy – 11B1)
Để tiết kiệm chi phí và gia tăng lãi, các chi đoàn đã tận dụng mọi không gian để kinh doanh. Với 500 nghìn tiền thuê gian hàng, bốn phía đều trở thành mặt tiền để buôn bán. Những không gian được thiết kế thông minh có chủ đích, được chia theo mặt hàng như đồ ăn, đồ lưu niệm, đồ handmade .... Bài toán tài chính nhờ đó mà cũng trở nên “dễ thở” hơn.
Kiểm soát chi phí, quản lý thu chi trong quá trình kinh doanh cũng được các bạn học sinh đặc biệt chú ý. Những “tay hòm chìa khóa” được giao cho những bạn nhanh nhẹn, có khả năng tính toán nhanh, có khả năng bao quát vừa có thể ghi chép vừa có thể trả tiền cho khách hàng mà không bị nhầm. Số tiền thu được sau thời gian bán hàng cũng được các bạn minh bạch ngay khi gian hàng đóng cửa. Số tiền lãi của các gian hàng được công bố dao động từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.
Bài toán nhân sự
Sử dụng nhân sự để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh là yếu tố quyết định lớn đến lời lãi của gian hàng. Bình quân với 35 nhân sự, mỗi chi đoàn phải tính toán đến việc phân chia đảm nhiệm các nhiệm vụ kinh doanh khác nhau dựa trên khả năng làm một công việc cụ thể và được chú ý trang bị những kỹ năng nhất định. Việc phân chia nhiệm vụ thực hiện chi tiết từ mời khách, nấu nướng, dọn dẹp, bán hàng tại quầy và bán hàng dong ... “Với những gian hàng di động kiểu này chúng em vừa đáp ứng tận nơi cho các thượng đế, đồng thời lại gia tăng được tài chính cho lớp mình” (Thái Hà – 12C5). “Quầy hàng sạch sẽ, gọn gàng thu hút khách là công lớn của những bạn phụ trách dọn dẹp” (Thu Hiền – 12C4).
Chăm sóc khách hàng kiểu “đầu voi đuôi chuột” sẽ khiến các thượng đế “một đi không trở lại”. Ý thức được điều này nên các gian hàng đặc biệt chú ý đến công tác “chăm sóc khách hàng”. Năm nay các gian hàng đã có nhiều thay đổi từ việc chào mời khách đến thiết kế chỗ ngồi cho những khách hàng muốn nán lại lâu hơn, hay đơn giản chỉ là chuẩn bị thêm giấy ăn, gia vị phục vụ... Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại khiến các khách hàng cảm thấy rất thoải mái và hài lòng.
Không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng, học sinh trường Lê vẫn có thể hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của mình. Sự thất bại hay thành công nhất định của những lần kinh doanh trong hội chợ là những kinh nghiệm cần thiết và quý báu cho việc định hình một nhà kinh doanh, một người quản lý trong tương lai.
Tác giả bài viết: Phạm Huyền