Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Những địa danh chúng tôi đã đi qua. Phần 8: Một lần đến Tam Cốc
Chủ nhật - 30/04/2017 22:00
Thời tiết như chiều lòng người, đến với Ninh Bình vào những ngày tháng 4 mát dịu sau trận nóng đổ lửa kéo dài cả tuần, chúng tôi quyết định khám phá và trải nghiệm tại Tam Cốc.
Muốn du lịch, khám phá Ninh Bình thì đi đò mới là đúng cách. Vào mùa du lịch, bắt đầu từ tháng Giêng, bến đò Tam Cốc tấp nập, những con đò xếp ngăn nắp, trật tự nối đuôi nhau kéo dài dọc bờ sông Ngô Đồng. Dòng sông lúc này không còn vẻ ủ ê, buồn bã của tháng 6, tháng 7 mà vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Nét phấn khởi cũng hiện rõ trên khuôn mặt thoáng chút mệt mỏi của chủ đò.
Với 5 vé trên tay (mỗi vé giá 120.000 VNĐ), chúng tôi bước xuống chiếc thuyền đã được ấn định. Thông thường, ở bến Tam Cốc, mỗi thuyền chỉ được phép chở 4 người nhưng vì không muốn tách đoàn, chúng tôi được chủ bến linh động xếp chung trên một chiếc. Bác lái đò, mái tóc đã hoa râm, kéo thuyền vào gần bờ, nhắc chúng tôi mặc áo phao. Chúng tôi ái ngại, biết trước có lẽ sẽ chia làm hai thuyền để bác nhẹ bớt tay chèo. Bác vui vẻ coi việc chở 5 - 6 khách là chuyện bình thường. Người Tây còn trở được huống chi mấy chị em chúng tôi, bác cười.
Ở miền núi xuống chúng tôi chỉ biết đến Tam Cốc qua báo chí, truyền hình, thế nên điều gì hiện ra trước mắt cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên, thích thú.
Trước sự thân thiện, gần gũi của bác lái đò, bất kỳ đến chỗ nào chúng tôi đều nhờ bác giải thích tường tận. Từ là người chủ động hỏi, chúng tôi đã trở thành những vị khách tham quan thực sự khi được chính bác lái đò làm hướng dẫn viên. Bác giải thích: "Tam là 3, Cốc là "hang có nước". Tam Cốc tức là ba hang có nước. Nó khác với Động (Bích Động), tức là "hang khô". Lát nữa chúng ta sẽ đi qua ba cốc ấy: Cốc cả, Cốc hai và Cốc ba". Dọc đường đi là những dải lúa đương thì con gái xanh mướt hai bên. Bác lái đò giải thích "Lúa ở đây chỉ trồng được một vụ thôi, còn lại không trồng được vì nước dâng lên đến nhà dân cũng bị ngập người phải di chuyển ra ngoài tránh nước. Nếu các cháu đến vào lúc lúa chín thì đẹp lắm! Lúc ấy cùng dòng sông xanh sẽ có thêm một "dòng sông vàng"". Chợt nghĩ đến truyện cổ tích Grim "Người đẹp ngủ trong rừng", chỉ khác người được đánh thức và kẻ đánh thức được tráo ngôi, nàng công chúa tươi tắn trong bộ cánh của mặt trời mới là kẻ đánh thức chàng trai thâm trầm Tam Cốc...
Nơi giao nhau duy nhất với đường bộ trên suốt hành trình thăm Tam Cốc là ở cống Rồng. "Sở dĩ gọi là cống Rồng vì trước đây ở hai bên cống có hình đầu rồng. Giờ cống đã được sửa, đầu rồng không còn nữa nhưng dân ở đây vẫn giữ nguyên cách gọi. Cũng nhờ sửa cống nên giờ hai làn thuyền đi được, chứ trước chúng tôi muốn đi phải chờ bên kia qua mới được, vì cống chật quá chỉ một thuyền đi được thôi", bác nói.
Đường vào Tam Cốc sơn thủy hữu tình, giữa là dòng nước trong xanh uốn lượn, hai bên là những dãy núi đá vôi với đủ các hình thù. Người dân địa phương dựa vào hình núi mà đặt tên. Có núi Võ, núi Văn bởi dáng núi giống mũ của quan Văn, quan Võ trong triều. Lại có núi Đổ, một nửa là ngọn, một nửa là gốc. Chuyện kể rằng, có người nông dân đang cày ruộng cùng trâu, núi đổ xuống đè cả vào người lẫn trâu...
Đến một đoạn bỗng gió từ đâu thổi về mát rượi. Thì ra chúng tôi đang đi qua "Bến thánh kẽm gió". Bác chỉ cho chúng tôi lối lên đền thờ vua Trần. Từ xa, đền Trần thấp thoáng ẩn hiện. Bác đò cao hứng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ xưa vua Trần ngắm cảnh Tam Cốc mà tức cảnh sinh tình.
Bài số 1: Gió khe lạnh lạnh nước mênh mông Hai núi hai bên giữa một dòng Đường trời thăm thẳm ba hang nối Cửa đất chênh vênh dãy núi cùng Xốc áo lên cao coi vạn dặm Chèo thuyền dưới thấp hiểm muôn trùng Bồng lai nào phải nơi xa nữa Ngày tháng ung dung thú vẫy vùng
Bài số 2: Sông luồn đáy núi sông bơi dọc Ngũ bái tử long lộng gió ngàn Một vùng Tam Cốc một kỳ quan Núi đón dòng sông núi chắn ngang Nhớ giọt nước trong veo thánh thót Thương làn mây bạc chạy lang thang Thái Vi đền cũ là đây nhỉ Tố nữ khua chèo đưa khách sang.
Hỏi bác nhan đề, bác cười bảo: "Cũng chẳng biết nhan đề là gì nhưng chúng tôi được nghe những bài này từ khi còn nhỏ. Cũng chỉ biết rằng đọc lên mà như thấy cả hành trình chèo đò của chúng tôi ở đấy. Thế là thích mà nhớ thôi".
Đi vào sâu Tam Cốc, chúng tôi như đang quay trở lại thế giới thủa sơ khai. Cảnh vật ở đây yên tĩnh, dường như chưa từng có sự hiện hữu của con người, chỉ còn nghe thấy tiếng chim hót, tiếng nước xao động dưới mái chèo. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều im lặng để tận hưởng không khí thanh tĩnh ấy.
Chèo thuyền khoảng 20 phút, trước mắt chúng tôi hiện ra là hang Cả, Cốc đầu tiên trong hành trình. Dài 127m, xuyên qua một quả núi lớn, hang Cả như một chiếc điều hòa khổng lồ nhưng không phải dành cho những căn nhà hộp kín mít, ích kỷ mà vô cùng hiếu khách, cởi mở rộng lượng với bất kỳ ai qua đây. Đi thêm khoảng 1km, hang Hai hiện ra với những cảnh quan thú vị được tạo nên bởi những nhũ đá rủ xuống. Từng cột nhũ là sự chắt chiu cần mẫn không mệt mỏi từ những giọt nước của tạo hóa để âm thầm tô điểm cho cốc, mang đến sự ngỡ ngàng cho ai được chiêm ngưỡng. Đi qua đền thờ Chúa sơn lâm, ẩn sau tán cây rủ hai bên, hang Ba là cốc cuối cùng cho hành trình khám phá. Qua hết cửa hang, chúng tôi như bước ra khỏi thiên nhiên để trở lại với thế giới loài người. Thoáng chút ngẩn ngơ, tiếc nuối.
"Trước khi bên Tràng An chưa mở khu du lịch, bên Tam Cốc chúng tôi đông khách lắm. Giờ thì thưa hẳn, có khi phải mấy chục ngày chúng tôi mới có một chuyến đò. Người tham quan ít, thu nhập chúng tôi vì thế cũng chẳng được nhiều. Bây giờ còn đỡ chứ vào mùa hè không mấy ai thích đi núi nữa, người ta đổ ra biển nhiều...", bác chia sẻ. Câu chuyện của chúng tôi bỗng trầm xuống, mỗi người một hướng nhìn, một nỗi buồn len lỏi trong tâm trí.
Chia tay bác đò, chia tay Tam Cốc thầm mong sẽ được gặp lại và lúc nào cũng chỉ là niềm vui của cả cảnh và người.