Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi và điều kiện cho học sinh được phát huy tài năng, sự sáng tạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu quả của buổi hoạt động ngoại khóa mà còn giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người cho các bạn học sinh, đặc biệt là giới thiệu và quảng bá sâu rộng nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc, di tích lịch sử, kỳ quan thiên nhiên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, góp phần giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Nhìn chung, về ưu điểm, cuộc thi đã hội tụ được các mảnh ghép khác nhau về văn hóa, dân tộc, ẩm thực, phong tục tập quán, di tích lịch sử, truyền thống anh dũng… của mảnh đất Điện Biên anh hùng tạo nên một bức tranh muôn màu mang tên: Điện Biên trong em. Nhiều chi đoàn có phóng sự hay, ấn tượng, có chiều sâu, kỹ thuật tốt, sử dụng các hình ảnh đẹp, các đoạn clip với lối diễn xuất tự nhiên, tự tin trước ống kính. Đa phần các lớp đều thể hiện được ý tưởng của mình, truyền tải được các thông điệp tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất, con người Điện Biên, thể hiện sự đầu tư công phu, sự sáng tạo không giới hạn của các tâm hồn trẻ đang muốn làm điều có ý nghĩa cho quê hương của mình. Tiêu biểu có thể kể đến các chi đoàn 11B7, 11B4, 10A6, 11B1, 11B5, 11B8, 10A1, 10A8, 12C1.
Tuy nhiên, nhiều tác phẩm dự thi quá dài dòng, vượt quá thời gian quy định, nội dung dàn trải, không thể hiện được trọng tâm và chưa có chiều sâu. Một số phóng sự có sử dụng nhiều đoạn clip, hình ảnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông hoặc chưa đạt về mặt kỹ thuật: âm nhạc quá lớn, lời thuyết minh quá nhỏ, nhiều tạp âm, quay phim bị rung hình.... Một số tác phẩm dự thi chưa mang đúng bản chất của một phóng sự.
10 tác phẩm lọt vào vòng trong sẽ tiếp tục được Ban giám khảo đánh giá và xếp loại cụ thể.
Tác giả bài viết: Lê Thúy Hòa