Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Những địa danh chúng tôi đã đi qua: Phần 5: Về với cố đô Hoa Lư
Thứ ba - 18/04/2017 13:00
Hành trình khám phá của chúng tôi càng thêm ý nghĩa khi có những người bạn tâm giao. Không hẹn mà gặp, chúng tôi lại có dịp hội ngộ với những người bạn thân thiết, Trường THPT Chuyên Quang Trung - Bình Phước. Lên chiếc xe của bạn chúng tôi cùng đến tham quan địa điểm du lịch cố đô Hoa Lư.
Những câu chuyện của những người bạn lâu ngày gặp lại khiến chúng tôi đã gần càng thêm gần gũi tưởng như không phải là khoảng cách hàng nghìn cây số giữa một bên ở phía Bắc và một bên, ngược lại, ở phía Nam của đất nước. Trên trục đường đến cố đô, bạn giới thiệu cho chúng tôi về những địa điểm đã đi, những điều đã thấy và những món ngon đã thưởng thức nơi đây. Chúng tôi kể cho bạn về hành trình đến Ninh Bình, con đường bạn đã từng được đi trong chuyến thăm đầu năm đã đưa hai trường đến gần nhau.
Cảnh vật hai bên đường đến cố đô với non non, nước nước trùng trùng điệp điệp thanh bình, yên tĩnh như đưa chúng tôi ngược lại dòng thời gian quay về thời xa xưa nơi ngày đầu Đinh Bộ Lĩnh còn là cậu bé chăn trâu chơi trận giả với trâu làm ngựa, lau làm cờ. Là con của Đinh Công Trứ, người đứng đầu châu mục, nhưng phải ở với người chú là Đinh Thúc Dự vì mẹ không theo chồng vào Nam, lại thường xuyên phải sống trong cảnh nghèo khó, Đinh Bộ Lĩnh đã sớm phải làm việc vất vả, hàng ngày chăn trâu, cắt cỏ. Nhưng ngay từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã bộc lộ thiên tư thông minh và có hoài bão lớn. Cậu bé được các bạn chéo tay làm kiệu rước trong trò chơi trận giả năm nào đã trở thành vị vua khai lập ra nước Đại Cồ Việt, triều đại rực rỡ nhất của nhà Đinh, một triều đại được coi là "đoản mệnh" của lịch sử Việt Nam.
Nhờ giấy giới thiệu do Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy - Ninh Bình sắp xếp, chúng tôi nhanh chóng được ưu tiên vào thăm cố đô. Hoa Lư mảnh đất xưa nay đã trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách thập phương về vừa để chiêm bái vừa để thưởng ngoạn. Đặt chân lên mảnh đất nơi chỉ vua chúa và quan lại mới được phép đi qua, nỗi niềm hoài cổ chợt thoáng hiện trong suy tư của du khách.
Bao bọc quanh cố đô là những dãy núi đá vôi cùng sông Sào Khê khiến Hoa Lư trở thành nơi đắc địa cho vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm địa điểm đóng đô. Mảnh đất thế núi hình sông ấy trở thành cát cứ bất khả xâm phạm giúp vua Đinh đẩy lùi thành công cuộc tấn công của chính quyền trung ương Cổ Loa năm 951 của hai anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn. Chợt nhớ đến câu thơ "Cố đô Đại Việt thành Hoa Lư/ Núi non trùng điệp phủ sương mù/ Kinh đô Việt cổ nằm thung rộng/ Đại thắng minh hoàng mãi ngàn thu".
Từ cổng thành Tràng An, đi qua một cây cầu bắc qua sông Sào Khê, chúng tôi tiến đến gần ngôi đền thờ vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Cung điện của vua Đinh nằm trong 2 vòng thành Thành Đông và thành Tây, cùng với thành Nam Tràng An, vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau, tạo thành quần thể kinh thành Hoa Lư. Qua cửa ngọ môn quan, hồ sen, núi giả, vườn hoa... đoàn chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng, vừa được hướng dẫn viên giới thiệu về ngôi đền. Ngay trước cửa đền có "Long sàng" làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá trấn giữ hai bên, tiến vào trong là bức tượng các vị khai quốc công thần, trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Những ngày đầu dựng nước cũng như câu chuyện chính sự của vua Đinh và các con cháu được tái hiện trong lời kể của hướng dẫn viên cho chúng tôi cái nhìn rõ hơn về lịch sử nước nhà.
Cách đề vua Đinh không xa, khoảng 500m, là đền vua Lê Đại Hành. Khác với đền vua Đinh, chiếc "Long sàng" của vua Lê được đặt ngay ở chính cửa điện. Điểm khác nữa là trong ngôi đền này là có thờ cả Hoàng hậu Dương Văn Nga, vị hoàng hậu cả hai triều đại, người được đánh giá là có công với nhà Lê mà vẫn không quên ân nghĩa với nhà Đinh. Vì thế, tượng của bà được đặt trong đền vua Lê còn mặt hướng về đền vua Đinh.
Cả hai ngôi đền đều có kiến trúc được đánh giá là khá tinh xảo với những hình rồng uốn lượn mạ vàng trên các cột và xà nhà. Mỗi một đường nét trạm trổ hay các câu đối, bảng vàng đều thể hiện được tinh thần và niềm tự hào của thời đại.
Trong không gian sạch sẽ, linh thiêng chúng tôi tĩnh tâm, thành kính hướng về các triều đại đã làm nên lịch sử của một đất nước anh hùng. Lịch sử dẫu còn nhiều nghi vấn bỏ ngỏ để những nhà Sử học tiếp tục tìm câu trả lời, nhưng với chúng tôi, tự mỗi người đã tìm được câu trả lời cho riêng mình khi về với vùng đất xưa từng được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt.