Hà Nội – 5.9.2035
Gửi cô giáo chủ nhiệm của em!
Cô thương nhớ, cậu học trò ngày nào được cô dìu dắt từ một cậu trai còn nhiều ngỗ nghịch và chẳng thiếu những sai lầm giờ đây đã đầu 30. Cũng trải qua biết bao thăng trầm biến cố của tuổi trẻ, cũng từng khóc, từng cười vì những kỷ niệm, những thất bại – thành công trên hành trình sống, trải qua bao dấu mốc của gần nửa cuộc đời, thế nhưng những ký ức về ngày khai trường, về thời áo trắng, về một người thương yêu lứa học sinh như ruột thịt của mình, em vẫn nhớ chẳng thể nào quên!
Sự bồng bột của tuổi mười tám đôi mươi theo thời gian cùng vòng xoay tất bật của cuộc sống dần biến mất, thay vào đó là một người đàn ông chững chạc đủ sức lo cho tổ ấm nhỏ của mình. Cô à, cậu học sinh ngày nào đã lớn, đã trưởng thành hơn, đã thành công như lời em hứa trước ngày tạm biệt cô vào giảng đường đại học.
Em còn nhớ....
12C5 của mười lăm năm trước, 36 khuôn mặt, mỗi người một vẻ, một cá tính, một sở thích khách nhau vì may mắn, vì tình yêu và vì cả cái duyên không hẹn trước mà học chung một lớp, trở thành một gia đình nhỏ cùng gắn bó, cùng sẻ chia. Tất cả trở thành một miền ký ức chẳng bao giờ phôi phai trong em, để bây giờ mỗi khi bất giác nhớ lại, gặp lại 36 con người ấy trên tấm ảnh kỷ yếu mà trái tim em như bị bàn tay ai bóp thắt lại trong sự xúc động nghẹn ngào.
Tuổi trẻ của em thật đặc biệt mà hiếm người có được! Trót gửi hồn mình vào những trang sách câu văn, chẳng biết tự bao giờ em đã yêu văn, say văn một cách lạ lùng như thế. Từ đam mê văn học đến hành trình bước chân vào gia đình chuyên Văn K25 và xa hơn là bước ngoặt trở thành một Học Sinh Giỏi Quốc Gia Ngữ Văn, với em đó là hành trình của nước mắt, của sự cố gắng không ngừng nghỉ. Có chăng, đó còn là sự đồng hành, uốn nắn mà cô luôn kề bên em, cô đưa chuyến tàu ước vọng ấy cập tới hải cảng thành công, hạnh phúc.
Vào lớp 10, em mang trong mình tâm trạng đầy tự tin hưng phấn, đến một ngôi trường cấp ba nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng ăm ắp những thú vị và mới mẻ. Có lẽ, bất ngờ nhất và cảm giác khiến em nhớ cho đến tận bây giờ là ngại ngùng khi bước chân vào lớp, trải qua năm tiết học với 36 bạn nữ. Chỉ một mình là con trai, chỉ một mình thu gọn một góc chẳng nói chuyện với ai, vì thấy mình khác biệt, vì thấy lạc lõng trong một không gian xa lạ. Mặc kệ sự thân thiện và hiếu kỳ của các bạn trong lớp, mặc kệ những lời giới thiệu làm quen, những cuộc trò chuyện nhanh chóng giờ giải lao, trong tuần học đầu tiên, tuần học thứ hai, thứ ba,.. em vẫn thấy “ngợp”, thấy bản thân sao mà khó hòa nhập. Từ một người hướng ngoại em dần mất sự tự tin, ngại giao tiếp và sợ những lời thì thầm bàn tán. Vì không mở lòng mình với các bạn, vì những định kiến chuyện con trai học văn là mềm yếu, không phù hợp, vì những thái độ đánh giá của mọi người xung quanh về một cậu trai ở giữa “một giàn hoa”... Giây phút ấy em đã thất vọng vô cùng, để tự vấn liệu bản thân đã đi đúng con đường hay chưa, bởi có những điều chẳng thể nói cùng ai, chẳng có ai để sẻ chia lòng mình, lâu dần cứ chất chồng và dồn ứ lại. Để rồi, em đã từng nghĩ mình sẽ từ bỏ đam mê, sở thích, từ bỏ sự cố gắng bấy lâu và trở thành con người sống “vì quy chuẩn, quan điểm của người khác”. Thật may, trước những suy nghĩ vẩn vơ, bỏ cuộc ấy, cô đã can thiệp và thức tỉnh con người em. Cho em lời khuyên một cách ôn tồn nhẹ nhàng, kiên trì và nhẫn nại đồng hành cùng em trên con đường hòa nhập với môi trường mới. Cô tạo cho em một cảm giác thoải mái và gần gũi, vừa là một người thầy, vừa là một người bạn – cô lắng nghe và giải đáp những vấn đề đang tắc nghẽn trong tâm trí em. Kỳ thực, nếu không có cô ngày ấy kéo em về với ước mơ của mình, dắt em đi trên hành trình của chính mình thì bây giờ em là ai, em có được những điều đang có hay không, em nghĩ rằng sẽ không thể!
Chuyện học văn chẳng bao giờ là dễ dàng, người học văn cũng hao tổn không ít nước mắt và sức lực của mình. Thế nhưng, văn học vẫn khắc nghiệt như thế, chẳng nương tay hay thương hại bất kỳ ai. Học văn là chuyện muôn đời, là chuyện học để làm người sống một cuộc đời sâu sắc và lâu dài với những giá trị chân chính. Những bài học ấy chuyển hóa từ tình yêu thành trí tuệ, từ sự nhiệt huyết cô dành cho chúng em – những mảnh ghép của đội tuyển Văn, thành động lực, thành sức mạnh để em vươn lên bật thật cao về đích. Có những giọt nước mắt đã rơi, có cả giọt mồ hôi thấm trên áo, có những nụ cười vỡ òa trong hạnh phúc trào dâng, có những giờ miệt mài bên trang sách, miệt mài viết và viết,…ký ức ấy thật chẳng dễ gì có được mà mười, hai mươi hay ba mươi năm về sau có lẽ sẽ chẳng bao giờ em quên!
Những tiết học trên lớp, những giờ miệt mài trên phòng đội tuyển, những kỷ niệm của một ngày áo trắng với nụ cười tươi rói trên môi như ùa về trong tâm trí em trước khung cảnh tựu trường náo nức của bao học sinh ngoài kia. Lặng nhìn cuộc sống của chính mình bấy lâu, giá như có một tấm vé trở về tuổi thơ, trở về ngày thấy cô lên lớp cùng những bài học của tuổi 17, trở về ngồi bên 36 con người để có thể ngắm nhìn lâu hơn, trò chuyện lâu hơn cho bớt những nhớ nhung nuối tiếc.
Cô ơi! Bụi thời gian có làm nhòe đi những nét phấn, công việc bộn bề của cuộc sống có đưa những lớp học trò ngày nào rời xa vòng tay cô, dẫu điều đó là một quy luật chẳng thể khước từ của cuộc sống nhưng chúng em – những con người đã mang thời gian, sức trẻ của cô đi – sẽ không bao giờ quên có một người vẫn ở đó, lặng lẽ nhìn học trò của mình lớn khôn từng ngày, sẽ luôn nhớ về một người thầy một người bạn của tuổi trẻ nhiệt thành và vô tư!
Ngòi bút em dừng lại cũng là lúc đâu đó vâng lên khúc ca “Bài học đầu tiên” của Bùi Quỳnh Giang, âm thanh về bài nhạc “Thưa thầy, em đã thuộc bài học sáng nay, trong bài giảng có bụi phấn bay bay trên tóc thầy…” cứ ngân vang thành nỗi nhớ trong em, thôi thúc em viết một điều gì đó gửi tới người đã nâng bước ước mơ, thắp sáng hành trình trưởng thành của em. Năm học mới lại về, một chuyến đò khởi hành tới bến bờ mới, cô cần mẫn chèo lái bao thế hệ con người từ một bờ sông hoang hoải vắng lặng đến bờ bến của tri thức, danh vọng. Vẫn con người lặng thầm bên trang sách chỉ có học trò ngày một rời cô – thì ra thời gian cuộc đời khắc nghiệt là ở đó, cô nhỉ?