Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
THAM LUẬN: GIẢI PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH COVID-19
Thứ bảy - 02/10/2021 09:46
Tôi đã từng đọc được một câu thơ tiếng anh rất hay của Zig Ziglar: “If you are not willing to learn, no one can help you. If you are determined to learn, no one can stop you”. Nó có nghĩa là: nếu bạn không muốn học, không ai có thể giúp bạn, nếu bạn quyết tâm học, không ai có thể ngăn cản bạn. Câu nói trên càng trở nên đặc biệt đúng đắn hơn khi đặt vào hoàn cảnh dịch bệnh covid 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, khi hàng ngàn học sinh không thể đến trường, và việc học tập trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đã có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên nản chí, thất bại trong việc thích ứng với cách học mới trong mùa dịch, dẫn đến kết quả học tập sa sút, “tuột dốc không phanh”. Song “nếu không muốn người ta sẽ tìm lí do, nếu muốn người ta sẽ tìm cách”! Bất kể điều gì cũng sẽ đều có hướng giải quyết nếu ta thật sự nghiêm túc, quyết tâm với việc đó; và tất nhiên, việc học tập cũng không ngoại lệ!
I. THỰC TRẠNG
Năm học 2020-2021 vừa qua là một năm đầy thử thách, khó khăn của cả thầy và trò không chỉ riêng với trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn mà còn là với vô số các trường học trên khắp cả nước. Tôi và bạn đều hiểu rõ sự mệt mỏi của việc cứ đi học được vài tuần thì lại có thông báo của tỉnh cho nghỉ học chờ diễn biến tiếp theo. Việc học tập của học sinh vì thế mà trở nên bất lợi hơn bao giờ hết và dường như phụ thuộc phần lớn vào tình hình dịch bệch. Nhiều học sinh bắt đầu phải làm quen với việc tự học tại nhà, học online cùng giáo viên qua các thiết bị thông minh, tự điều hành và quản lí thời gian biểu học tập và sinh hoạt của bản thân,… Song thực tế cho thấy việc bắt đầu một thói quen học tập tự giác và độc lập chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái lười biếng không phanh, nuông chiều bản thân vào các thú vui như mạng xã hội, game, ngủ nướng và ăn uống,… thay vì dành thời gian để học tập và củng cố tri thức, kĩ năng mới cho bản thân. Những bài tập mà thầy cô giao trong thời gian nghỉ dịch thường cứ để “nước đến chân mới nhảy”; lên lớp học online chỉ để báo danh rồi tắt cam, tắt mic đi ngủ; thậm chí nhiều bạn còn có lối suy nghĩ “kể ra được nghỉ thêm thì tốt” và cứ thế lãng phí chuỗi ngày thanh xuân có hạn của mình vào những điều vô bổ và nhàm chán,… Cuối cùng, để đến lúc đi học trở lại thì “shock” kiến thức trầm trọng, choáng ngợp, hoang mang trước đống bài tập khổng lồ mà mình không thể theo kịp, và chỉ còn biết an năn, tiếc nuối vì chuỗi ngày “nghỉ dưỡng thả phanh” của chính mình! II. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân của những thực trạng trên đến từ đâu? Theo tôi, trước tiên là đến từ lối tư duy, học tập thụ động, kém linh hoạt của đa số các bạn học sinh ngày nay. Vì cách học nghe giảng một chiều từ thầy cô trên lớp đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen học tập của nhiều học sinh, nên khi thay đổi hoàn cảnh, các bạn thường vẫn giữ cách học thụ động như cũ, thiếu tính độc lập, tự giác, chủ động khiến việc học tại nhà trở nên kém hiệu quả và dễ gây chán nản. Nguyên nhân thứ hai cính là sai lầm trong việc không xây dựng kế hoạch và mục tiêu học tập rõ ràng, chi tiết ngay từ đầu. Đa số chúng ta đều rơi vào trạng thái mất khái niệm về thời gian khi phải nghỉ dịch ở nhà quá nhiều. Ta không còn giữ được những thói quen tốt, kỉ luật giờ giấc sinh hoạt, học tập như khi đi học nữa. Thay vào đó ta chơi một ngày rồi lại tự dặn lòng: “chỉ chơi thêm một ngày nữa thôi đằng nào thì cũng sắp đi học rồi”, và cứ thế ngày này qua tháng nọ, dịch bệnh vẫn tiếp diễn và ta vẫn chơi không hồi kết. Nguyên nhân thứ ba, chính là thái độ của chính chúng ta trước việc học. Đa số học sinh khi nghĩ về việc học đều bị ám ảnh với những thứ như sự bắt buộc từ cha mẹ, thầy cô, áp lực về những bài kiểm tra, những kì thi, điểm số,… thay vì thật sự yêu thích, tự nguyện và chủ động hứng thú với việc học. Thế nên khi bắt đầu tự học tại nhà và không còn chịu những sự ám ảnh thường trực nữa thì họ cũng buông thả việc học dần. Ta sẽ không thể làm tốt thứ mà ta luôn thấy sợ hãi, luôn bị ép buộc phải làm, luôn không tự nguyện, luôn gắn liền với những “nghĩa vụ” và “trách nhiệm”! III. BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Phát hiện ra những nguyên nhân trên cũng chính là chìa khoá giúp ta mở ra giải pháp để thay đổi. Trước tiên hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy và thói quen học tập, ghi chép, tìm kiếm thông tin,… Thay vì dành hàng giờ thụ động ngồi trước màn hình máy tính nghe giáo viên giảng bài và ghi chép thật sạch đẹp như trước đây; tại sao bạn không thử bắt đầu một cách học mới chủ động và linh hoạt hơn? Hãy tìm hiểu thông tin, tài liệu thú vị, mới lạ về những chủ đề bài học mà bạn sắp sửa nghe giảng để khơi gợi sự hứng thú, chủ động tò mò và phát hiện ra kiến thức của chính mình. Một mẹo nhỏ là đừng cố tìm đọc những kiến thức quá hàn lâm, khó hiểu; hãy cứ đọc những gì mà bạn cảm thấy hứng thú nhất về chủ đề đó và đọc theo mức độ thông hiểu của riêng bạn. Việc này sẽ giúp bạn tự tin và hình thành kiến thức tốt hơn khi nghe bài giảng của giáo viên. Tiếp theo là việc ghi chép sao cho hiệu quả. Hãy biến những cuốn vở cả bạn trở nên tự do và phóng khoáng hơn như khi bạn đang vẽ một bức tranh!. Đừng chỉ ghi chép những kiến thức khô khan nên giấy hãy mã hoá chúng thành ngôn ngữ của chính bạn qua màu sắc, hình ảnh, sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo và sự hài hước, thú vị bên trong con người bạn. Bên cạnh đó, đừng chỉ chăm chăm học kiến thức trong sách giáo khoa mà hãy học toàn diện, phong phú hơn bằng cách đọc thêm những cuốn sách mới, tìm hiểu tri thức thú vị, mới lạ về đời sống tự nhiên và xã hội…
Không kém phần quan trọng chính là hình thành cho mình thói quen quản lí thời gian, xây dựng kế hoạch làm việc và sinh hoạt cụ thể, hợp lí. Việc bắt đầu việc học với một mục tiêu và kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả, cân bằng với cuộc sống và tiến nhanh hơn rất nhiều so với những người khác. Hãy tự hình thành cho mình những quy tắc, niêm luật riêng và nghiêm túc tuân thủ nó như khi bạn đang đến trường thực sự. Một mẹo hay là khi đã xây dựng được bản kế hoạch thời gian biểu của mình, bạn hãy thông báo và cam kết thực hiện trước toàn bộ thành viên trong gia đình mình, việc này là động lực giúp bạn giữ đúng lời hứa và nghiêm túc thực hiện kế hoạch của mình tốt hơn. Việc xây dựng thời gian biểu và mục tiêu học tập cũng đừng nên quá “lí tưởng hoá”, quá xa vời, mà hãy dựa quy tắc phù hợp với chính mình. Trước tiên là đánh giá đúng năng lực của bản thân, có thể nhờ thầy cô, gia đình góp ý để đặt ra mục tiêu sao cho phù hợp. Tiếp theo là phải biết cân bằng việc học với những hoạt động giải trí, sở thích cá nhân, thời gian thư giãn và chăm sóc cho gia đình chính bản thân mình… Người thành công chính là người biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống!
Cuối cùng chính là hãy thay đổi thái độ, cách nhìn nhận của bản thân về việc học. Tôi biết đây không phải là vấn đề của riêng cá nhân ai, mà là vấn đề chung của tất cả học sinh, ai cũng đã từng có những mối lo, những áp lực về việc học như thế. Nhưng đừng biến nó trở thành nỗi sợ quá lớn, thành con quái vật nuốt chửng niềm yêu thích học tập của bạn. Rồi một lúc nào đó khi đã trưởng thành và nhìn về quá khứ, bạn sẽ hiểu ra những chân lí cuộc đời ngắn ngủi và giá trị của việc học, lúc ấy có thể bạn sẽ thấy thật tiếc nuối vì đã chưa từng thật sự học đúng nghĩa. Khoảng thời gian giãn cách xã hội tại nhà cũng là khoảng thời gian cho chúng ta lắng lại để suy nghĩ chín chắn hơn để thay đổi, để có những định hướng tương lai mới, để nghiêm túc hơn với con đường học tập sắp tới của chính mình. Đừng tiếp tục giết chết niềm yêu thích học tập của bạn bằng những suy nghĩ tiêu cực và thái độ chán nản, yếu đuối nữa. Hãy nhìn thế giới bằng đôi mắt tràn đầy sự tò mò, hứng thú và tích cực như những đứa trẻ! Hãy học bằng mọi giác quan, cảm nhận niềm hạnh phúc đến từ việc học tập một cách trọn vẹn nhất khi bạn còn có thể!
Đến đây có lẽ mỗi chúng ta đã rút được ra cho mình những bài học bổ ích về việc học và cách học tập hiệu quả để ứng phó với tình hình dịch bệnh covid 19 hiện nay. Hi vọng dịch bệnh rồi sẽ qua đi, để toàn bộ học sinh trên cả nước, cũng như thế giới lại được đi học trở lại bình thường! Mong rằng chúng ta sẽ đều thực hiện được những ước mơ của mình trong tương lai!
Xin gửi tặng các bạn một câu ngạn ngữ Gruzia thay cho lời kết: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.”