Tôi đã nghe một câu nói rất hay về thời gian của Ngạn ngữ Nga:
“Ngày đi, tháng chạy, năm bay
Thời gian, nước chảy, chẳng quay được về”
Thời gian là con đường một chiều, nhưng những người bước đi trên con đường ấy rất muốn làm trái lại luật vốn có, ta muốn quay đầu lại. Bởi có lẽ trên đoạn đường ấy đã có không biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu bạn bè hay những ai đã xuất hiện, ở bên, cùng mình bước đi trên con đường và cả bao nhiêu điều mình bỏ lỡ,... Tất cả đều là vì hai chữ “tiếc nuối”, vì nuối tiếc mà ai trong chúng ta cũng đều tham lam có thêm một lần nữa! Và tôi cũng vậy!
Năm tháng trôi qua nhanh quá! Nếu có giá như, tôi sẽ ước mình mới chỉ là tân học sinh của “Ngôi nhà chung Chuyên Lê Quý Đôn – Điện Biên”, để tôi có thêm một lần nữa được bắt đầu, được trải nghiệm lại từ chương trình chào đón tân học sinh bùng cháy, sôi động; từ những cảm xúc trước những điều mới lạ với ngôi trường. Để tôi được một lần nữa được làm quen với những người bạn mới, được học lại những bài học từ người thầy, người cô. Tôi hứa chắc chắc rằng nếu có một lần nữa, tôi sẽ làm tốt hơn những gì tôi đã làm! Tôi sẽ có những kỉ niệm thêm nhớ, thêm yêu hơn những gì tôi đã có!
Một ngày nọ, tôi đã đến trường sớm hơn mọi lần, khi những tia nắng mới dệt từng sợi nhỏ trên mảnh sương nhạt nhòa góc hàng lang lớp học, khi chỉ có lác đác vài ba bạn trên sân trường, tôi đẩy cánh cửa với lớp học trống vắng, tôi mới bàng hoàng nhận ra, mình sắp chia xa nơi này. Một ngày nào đó, sau cánh cửa ấy sẽ không còn chúng tôi ngồi học nữa. Một ngày nào đó, nơi góc hành lang ngập nắng kia sẽ không còn chúng tôi với chiếc áo đồng phục trắng nữa. Một ngày nào đó sẽ đến, một ngày chúng tôi sẽ cầm những tấm bằng đỏ. Và năm tháng này chỉ còn được lưu giữ bằng những tấm ảnh kỷ yếu, trong góc nhỏ kí ức của mỗi chúng ta.
Phải làm sao đây, phải làm sao để có thể thôi tiếc nuối, cho tôi bỏ lại những cảm xúc bồi hồi đang thổn thức từng nhịp trong trái tim này? Có lẽ sẽ chẳng có cách nào cả, khi mái nhà chung chuyên này đã cho tôi rất nhiều cảm xúc, rất nhiều kỉ niệm. Tôi sẽ chẳng quên được cái ấn tượng mạnh mẽ khi lần đầu đến trường với một con dốc cao nghiêng 45 độ ấy. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc ngỡ ngàng ngước nhìn lên cổng trường cao tít trên đầu dốc. Đó là cái ngày tôi mới lên đăng ký thi tuyển vào trường, cảm giác trong tôi là có sự sợ hãi. Sao con dốc cao quá! Không biết mình có đi lên được không. Ấy thế mà tôi cũng đã leo con dốc đó gần ba năm rồi. Trường tôi còn đặc biệt hơn cả với dàn hoa giấy đặc trưng. Nếu bạn đã biết hoa phượng đỏ là hoa học trò, cây phượng là cây của tuổi áo trắng, gắn liền với từng mái trường, từng tuổi học sinh thì bạn sẽ bất ngờ khi trường tôi gắn liền với hoa giấy. Cái ngày tôi mới vào trường, anh chị khóa trên đã kể lại với chúng tôi rằng vào trường nhất định phải chụp ảnh với dàn hoa giấy ở sân sau, vì đó là một hình ảnh đặc trưng của trường. Phải chăng có lẽ vì cây đã gắn bó với trường từ lâu? Đến cả bản thân tôi cũng không biết nhưng cứ đến một khóa mới, chúng tôi sẽ kể cho các em về dàn hoa tim tím ấy.
Mái nhà chung còn cho tôi cả những người cha, người mẹ thứ hai luôn quan tâm, luôn sẻ chia và dạy chúng tôi nên người. Nơi đây, chúng tôi đã được dạy dỗ, được học hỏi từ những người lái đò đầy tâm huyết, mỗi một người thầy, người cô với tôi đều có một nét riêng rất kì diệu, khác lạ. Cô giáo chủ nhiệm khóa chúng tôi - Chuyên Văn – K25 là cô Mai Hạnh Ngân. Với tôi cô giống như một làn nước mùa thu. Đó là một dòng nước dịu dàng, nhẹ nhàng, và bình yên. Cô là như thế, một người cô giáo hiền dịu, tâm lý và luôn thấu hiểu chúng tôi. Cô Hương Giang cũng dạy môn chuyên lớp tôi lại giống như một ngọn lửa, nhưng là một ngọn lửa ấm áp, nhẹ nhàng. Ngọn lửa âm ỉ, san sẻ theo năm tháng truyền lửa, nhen nhóm vào những đốm than nhỏ, thắp bừng sáng lên trong chúng tôi sự đam mê, nhiệt huyết,... Cô Huyên dạy môn Toán lại giống như đất, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, cô vừa thoải mái vừa nghiêm khắc. Cô thấu hiểu những khó khăn mà chúng tôi gặp phải với môn học, cô luôn động viên khích lệ nhưng đồng thời cô cũng cứng rắn, nghiêm khắc để chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn.
Tôi còn nhớ hơn cả là cô Lê Thị Thanh Huyền dạy môn Ngoại Ngữ lớp tôi vào năm tôi học lớp 10, cô giống như bầu trời vậy. Bầu trời rộng lớn, bao la, ở cô là sự cởi mở, hào phóng và tự do. Với tôi, môn tiếng Anh học rất khó, có những khi còn là sự bất lực, dù tôi đã cố gắng như thế nào, học nhiều ra sao nhưng kết quả vẫn chẳng thể tiến bộ. Tôi nhớ có một lần kiểm tra, ngày hôm đó tôi đã ôn tập và chuẩn bị rất kĩ, nhưng đến khi cô trả bài, tôi ngỡ ngàng vì điểm bài thấp, và tôi lại vấp phải những sai xót, thậm chí là những lỗi sai rất cơ bản, cái mà không ai có thể mặc phải. Tôi đã úp bài kiểm tra ấy xuống với một tâm trạng nặng nề như một sự né tránh. Lúc ấy cô Huyền đã bảo tôi rằng: “Không phải ngày nào cũng là ngày đẹp trời, nhưng ai rồi cũng sẽ có những ngày đẹp trời ở tương lai”. Có lẽ chính nhờ câu nói ấy của cô, ở đúng ngay lúc đấy, nó đã cho tôi thêm tự tin, tôi đã mở bài mình xem lại lỗi sai của mình. Dần dần tôi chấp nhận với những cảm xúc thất vọng của chính mình, đối mặt và làm chủ lấy nó để có thể tiến bộ hơn. Tuy đó có thể chỉ là một câu nói nhẹ nhàng của cô, nhưng câu nói ấy đã không ngừng tiếp thêm niềm tin cho tôi trong mỗi cuộc thi, mỗi khi tôi ngã, để tôi có thể đạt được những kết quả như tôi mong đợi.
Có những năm tháng không thể xóa nhòa, có những kí ức không thể phôi pha, những kỷ niệm màu nắng nơi sân trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn này có lẽ sẽ chẳng thể mai mờ trong mỗi ai đã và đang học tại đây. Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thầy cô – người cha, người mẹ thứ hai đã nhiệt huyết, hết mình vì những học trò của mình. Thầy, cô vẫn luôn thế, ngày ngày dạy dỗ những đứa trẻ, lo lắng cho những người con của mình. Cảm ơn Ngôi nhà chung đã cho tôi những năm tháng thanh xuân đẹp tươi ấy!
Tác giả bài viết: Học sinh Trần Phương Nhung.
Lớp Chuyên Văn 12C5 - trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn