` Hà Nội, ngày.. tháng… năm...
Gửi Mẹ: Cô giáo Dương Minh Hồng
Trong một buổi chiều buồn nơi đất khách quê người, xa rời vòng tay gia đình tự nhiên con nhớ “Mẹ” đến lạ. Có lẽ trong suốt quãng đường 20 năm con đã đi, gặp được “Mẹ” nó không chỉ là duyên giữa học sinh và cô giáo nó mang một nét gì đó rất khác mà con không thể gọi tên. Hôm nay, con xin phép không gọi là cô nữa mà gọi là Mẹ, được không ạ?
Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày con ra trường đó cũng là quãng thời gian mà con rời xa mái trường thân yêu gắn bó suốt 3 năm học cũng là nơi con dành trọn cả thanh xuân của mình bên cạnh bạn bè, thầy cô, bên đội Sử, và nhất là, bên Mẹ. Mẹ là người cho con có một tình yêu đối với Sử, tình yêu đối với nghề giáo, nghề trồng người, hơn hết đó là trở thành một giáo viên dạy Sử bên bảng đen phấn trắng, bên trang giáo án để theo bước chân của Mẹ, đi trên con đường Mẹ đã đi qua dù con đường con đang đi có thể sẽ gặp nhiều khó khăn cách trở.
Cuộc sống đâu ai biết được chữ “ngờ”, Mẹ nhỉ? Nó xảy ra những việc mà ta khó có thể lường trước được. Ai có thể nghĩ được rằng một đứa từng học kém Sử như con lại bỏ Văn theo Sử, để rồi giờ đây có lẽ con sẽ gắn bó với nó cho đến hết cuộc đời. Và Mẹ đã cho con tình yêu ấy. Đó là những bài giảng của Mẹ trên lớp, đó là những buổi ôn đội tuyển giữa cái trưa nóng của thời tiết, là những lúc Mẹ bên con trong quãng thời gian đi thi xa nhà. Mẹ còn nhớ không, ngày trên Bắc Giang năm ấy, nhớ chuyến xe mà có lẽ nói "ngoa" rằng mình sẽ cạch để lựa chọn khi đi xuôi. Lúc ấy có lẽ là lúc con được tiếp xúc với Mẹ nhiều nhất, hiểu nhất về Mẹ, là lúc lo lắng trước khi báo giải, là khi ôm Mẹ và khóc như một đứa trẻ con trong vòng tay Mẹ. Rồi những lúc ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp, Mẹ tất bật soạn giảng câu hỏi đề thi, lo lắng cho lũ con không chịu học bài, lo cho tương lai của chúng sau này. Lúc lo lắng nhất của Mẹ là lúc đàn con thơ bước vào phòng thi, là thấp thỏm cho các con xem các con có làm được bài hay không, nó khoanh có đúng không, liệu cao điểm không để rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi các con có giấy báo điểm.
Mẹ một người nhà giáo tận tâm hết lòng với nghề, với lũ con thơ. Bao nhiêu năm trôi qua, những dấu vết của thời gian đã hằn sâu trên đôi mắt Mẹ, là bao khó khăn lo toan cho cuộc sống vẹn tròn để có thể dành nhiều thời gian nhất cho đám học trò. Hết lớp này đến lớp khác, đứa con thơ dại lớn lên tung cánh bay để khám phá đến chân trời mới, khoảng không bao la mới để cố gắng nhất trở thành người có ích cho xã hội sau này cho những ước mong về tương lai của Mẹ.
Chọn ngành giáo, lại chọn là giáo viên dạy Sử đó trước hết không chỉ vì đam mê, không chỉ vì ước mơ ngày nhỏ mang con chữ lên vùng cao, mà trước hết trước con có một tấm gương sáng của Mẹ, của người thầy mà con gắn bó suốt quãng thời gian ấy. Từ Mẹ đã cho con thấy nghề giáo không "bạc" như người đời vẫn nói, không phụ lòng người gieo hạt phải không mẹ, niềm vui lớn nhất là gieo xuống hạt giống thấy nó lớn lên trưởng thành và tỏa bóng mát cho cuộc đời. Đó có lẽ là nguyên nhân to lớn nhất dẫn đến hạnh phúc dẫn đến ngày vui trong cuộc đời.
Nhân ngày Tri ân này, con chúc Mẹ luôn luôn hạnh phúc, luôn luôn tươi trẻ để tiếp tục con đường “trồng người”, tiếp tục công việc cao quý nhất trong những nghề cao quý, sang tạo nhất trong những nghề sáng tạo này.
“Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương.
Có nghề nào nhắc đến bỗng thấy thương?
Cuộc sống dù nghèo, áo mặc cần phải đẹp,
Suy nghĩ thật nhiều, khi chỉ mua đôi dép,
Thon thót giật mình khi hàng xóm cưới xin.
Có nghề nào nhẫn nhịn đến khó tin?
Mọi chuyện thầy luôn sai còn phụ huynh thì đúng,
Không dám đôi co vì mình là người công chúng,
Tích uất ức vào lòng sinh bệnh tật quanh năm.
Có nghề nào luôn bận bịu quanh năm?
Đi dạy cả tuần ngày nghỉ làm giáo án,
Dạy quanh năm chẳng tham quan du lịch,
Lúc hè về, tiền ít khó đi tour.
Có nghề nào bị ném đá te tua,
Hơi một tí lên truyền hình, báo chí,
Họ từng là học trò sao ném đá thầy mạnh thế,
Thầy cô oằn mình chịu rìu búa cựu học sinh.
Có nghề nào con cái sợ phát kinh?
Chẳng dám theo nghề mẹ cha nuôi mình lớn,
Bộ đội, công an, ngân hàng, doanh nghiệp lớn,
Bố mẹ về, con kế nhẹ nhàng thay.
Có nghề nào chịu trăm đắng ngàn cay?
Làm thêm ngoài giờ bị coi là tội phạm,
Thầy cô nào cũng "quyền rơm vạ đá",
Chẳng dám mắng học trò khi chúng hỗn, chúng hư.
Có nghề nào sống khép nép như SƯ,
Bởi bất cứ khi nào cũng thành người vi PHẠM,
Tặc lưỡi, tại số trời, coi như mình bị hạn,
Chẳng có lỗi gì vẫn xin lỗi để được yên.
Cần hiểu rằng, thầy cô chẳng là tiên,
Cũng uống, ăn, buồn, vui như người khác,
Cần sự cảm thông cùng sẻ chia gánh vác,
Cùng thầy cô vun trồng cho trái ngọt hương thơm.
Có nghề nào nghe thấy đến là thương?
Gắn bó cuộc đời bằng bảng đen phấn trắng,
Dẫu cuộc đời nhiều thay đen đổi trắng,
Nhưng tấm lòng thầy chẳng đổi trắng thay đen.
Có nghề nào nhiều đổi mới thế không?
Cả thầy trò vần xoay trong cơn lốc,
Người bảo dở, kẻ bảo hay nhưng học trò vẫn học,
Thầy như thỏi thép hồng nằm "dưới búa - trên đe".
Mỗi đông về sương giá, lạnh tái tê,
Thầy vẫn ấm vì tình yêu của những người trò nhỏ,
Là động lực giúp thầy vượt muôn ngàn gian khó,
Vững lái con đò, đưa em đến bờ vui.”
(Vũ Đức Cảnh – 2016)
Con gái mẹ: Phương Thảo
Cựu học sinh: Nguyễn Phương Thảo (chuyên Ngữ văn - Khóa 2014-2017)