Cổng thông tin điện tử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Dạy học dự án Ngữ văn tích hợp liên môn Lịch sử với văn bản "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy" - "Phiên tòa thế kỷ - sống dậy cùng lịch sử"
Chủ nhật - 10/10/2021 19:26
Như chúng ta đã biết, học văn không chỉ là học những văn bản một cách sáo rỗng, viển vông mà là học làm người, học để khám phá lịch sử, địa lý, văn hóa - xã hội, giúp cho nhân cách hoàn thiện hơn. Đây cũng là ý nghĩa và mục tiêu thiết thực mà mỗi tiết học Dạy học dự án tích hợp liên môn hướng tới. Để giúp học sinh có cái nhìn tổng quan, toàn diện, thấy được mối quan hệ giữa các lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là mối quan hệ giữa Văn học và Lịch sử, sáng ngày 9/10/2021, tổ chuyên môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tiến hành Dạy học dự án tích hợp liên môn Lịch sử với văn bản: “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy”, phạm vi là học sinh toàn khối 10.
Là một trong những môn học quan trọng, lại có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội, môn học Ngữ văn vừa đảm nhiệm chức năng hình thành, phát triển năng lực tư duy và ngôn ngữ, vừa giữ chức năng giáo dục thẩm mỹ cho người học. Song một vài năm gần đây, số lượng học sinh thờ với bộ môn này ngày một nhiều. “Tại sao lại có hiện tượng đó? Làm cách nào để khơi dậy tình yêu với Văn học ở các lớp học sinh?” luôn là những trăn trở cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn.
Để giải đáp cho những trăn trở ấy, nhà trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nói chung và các giáo viên trong tổ chuyên môn Ngữ văn nói riêng luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển dần hình thức từ giảng văn sang dạy văn kết hợp hình thành năng lực tự học, tự đọc, sáng tạo ở học sinh. Đưa giáo dục từ mục tiêu tập trung vào nhận thức sang mục tiêu phát triển năng lực cho người học; Và một trong những phương pháp học tập hiệu quả đã và đang được tổ chuyên môn áp dụng là Dạy học dự án tích hợp liên môn.
Chúng ta đều biết, học văn không chỉ là học những văn bản một cách sáo rỗng, viển vông mà là học làm người, học để khám phá lịch sử, địa lý, văn hóa xã hội, giúp cho nhân cách hoàn thiện hơn. Dạy học tích hợp liên môn có ý nghĩa như vậy, với phương pháp học này, học sinh có thể liên kết các ngành khoa học, các lĩnh vực kiến thức để có cái nhìn tổng quan, toàn diện, thấy được mối quan hệ giữa các lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là mối quan hệ giữa Văn học và Lịch sử. Với mong muốn tìm ra được những cách thức đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh tìm lại sự tích cực, chủ động cũng như sự hứng thú với môn học Ngữ văn, trong đầu năm học 2021 – 2022, tổ chuyên môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tiến hành Dạy học dự án tích hợp liên môn Lịch sử với văn bản: “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy”, phạm vi là học sinh toàn khối 10 với thời lượng 2 tiết học.
Đến tham dự buổi học cùng các bạn học sinh, rất vinh dự có sự hiện diện của cô Bùi Thị Anh – Phó Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường; Cô Lê Thị Biên – Phó Hiệu trưởng nhà trường; Cô Lê Thị Tuyết – Tổ trưởng Ngữ văn cùng các thầy cô trong tổ chuyên môn Ngữ văn.
Đúng với mục tiêu và ý nghĩa của hình thức học tập Dự án tích hợp liên môn, quá trình tự học, tự đọc và sáng tạo của các bạn học sinh đã được phát huy ở mức cao độ khi giáo viên chỉ là người định hướng cách thức, chuyển giao nhiệm vụ học tập; Còn học sinh phải tự nghiên cứu về truyền thuyết, tự cảm nhận về ý nghĩa câu chuyện để có thể xây dựng một kịch bản sân khấu hóa và tái hiện câu chuyện truyền thuyết một cách sinh động. Đồng thời, các bạn học sinh ở mỗi lớp phải vận dụng năng lực tư duy và sáng tạo để hiểu một cách sâu sắc về từng diến biến, từng nhân vật, lấy đó làm cơ sở để có được nhận xét chính xác về tác phẩm.
Mở đầu buổi học với tâm trạng đầy háo hức, các thầy cô và các bạn học sinh một lần nữa được xem lại truyền thuyết “ Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” dưới hình thức sân khấu hóa sinh động, đầy chân thực qua tài năng và sự duyên dáng của các diễn viên không chuyên đến từ 7 lớp chuyên của khối 10.
Như sống lại cùng một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, tiết mục sân khấu hóa đã đem lại cho các khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau, vui có, buồn có, bất bình và giận dữ trước những sai lầm của các nhân vật nhưng cũng cảm thương cho những bi kịch éo le, ngang trái. Bằng những suy nghĩ, đánh giá của riêng mình, các bạn học sinh và các thầy cô tiếp tục được tham dự vào “Phiên tòa thế kỉ - Luận công và tội cho các nhân vật trong truyền thuyết”. Trong phần này, hai bên là Viện Kiểm Sát và Luật sư bằng những luận lập xác đáng, chứng cứ hùng hồn đã giúp mỗi bạn học sinh ngồi phía dưới có được cách nhìn nhận đầy đủ, cụ thể về công lao và những sai lầm của các nhân vật: An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ. Qua đó, các bạn sẽ rút ra được thái độ đúng đắn khi đánh giá về mỗi nhân vật cũng như hiểu hơn giá trị nhân văn, nhân đạo mà văn học dân gian luôn hướng tới.
Như chúng ta đã biết, “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ” là tác phẩm tiêu biểu của thể loại truyền thuyết – thể loại quen thuộc của Văn học Dân gian Việt Nam. Tác phẩm kể về quá trình An Dương Vương xây thành, chế tạo nỏ thần thành công, nhờ sự giúp đỡ của Sứ Thanh Giang mà giữ vững cơ đồ, xã tắc cũng như nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu”. Vốn là một tác phẩm vừa chứa đựng yếu tố lịch sử vừa mang giá trị văn học sâu sắc, nên để học sinh nắm vững và hiểu rõ được bài học và giá trị của tác phẩm là điều không hề dễ. Nếu chỉ dừng lại ở những tiết học văn thông thường trên lớp, học sinh có lẽ cũng chỉ có cái nhìn qua loa về tác phẩm hoặc chỉ cảm nhận được một phần nhỏ giá trị, ý nghĩa cũng như bài học lịch sử mà cha ông muốn truyền dạy. Hạn chế ấy gần như đã được khắc phục với tiết học Dự án tích hợp liên môn, khi học sinh vừa đóng vai trò là người khám phá kiến thức, vừa đảm nhận nhiệm vụ truyền đạt kiến thức tới các bạn học sinh khác; Chính hình thức mới mẻ, phương pháp giảng dạy chân thực, sinh động, buổi học thực hiện được mục tiêu kép là “vừa truyền đạt kiến thức vừa tạo được tiếng cười, tăng hứng thú với người học”
Trực tiếp tham gia buổi học, mỗi bạn học sinh không chỉ ngồi lắng nghe, quan sát và ghi nhớ mà qua các câu hỏi tương tác cùng MC, cùng các thành viên trong Viện Kiểm Sát và các Luật sư, các bạn học sinh còn có cơ hội bày tỏ cảm nhận của mình về tác phẩm, chia sẻ về tình cảm, thái độ với mỗi nhân vật và cùng rút ra những bài học, những giá trị sống tích cực, phù hợp. Tổng kết lại giá trị của truyền thuyết, lời phán quyết cuối cùng của Ngọc Hoàng cùng những bài học được Người nêu ra chính là lời đánh thức tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước; Cụ thể đó là tinh thần cảnh giác trước kẻ thù, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích riêng tư của cá nhân.
Có thể nói, buổi học Dự án tích hợp liên môn lý thú, bổ ích cùng “Phiên toà thế kỉ” đã giúp các bạn học sinh khối 10 trau dồi thêm kiến thức lịch sử, văn học; Đồng thời giúp các bạn rèn thêm các năng lực và phẩm chất quan trọng như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp, năng lực cảm xúc và thẩm mĩ; Bồi dưỡng những phẩm chất trân quý như phẩm chất yêu nước, nhân ái, vị tha, bao dung và nghĩa tình,…..
Một số hình ảnh của buổi học: